Sau chuyến đi Ai cập, Israel dài ngày, gia đình tôi về tới VN lúc 20h ngày 3/5 và chỉ có 1 ngày để chuẩn bị cho chuyến đi Trường sa.
Lần đầu tôi được ra Trường sa là ngày 3/5/2018, khi ấy tôi đi theo đoàn BV 175 và tham gia đoàn công tác 13. Chuyến đi đã để lại cho chúng tôi những dấu ấn thiêng liêng không thể nào quên và sau lần đi đó, chúng tôi đã tổ chức nhiều cuộc gặp mặt của đoàn công tác 13 từ Nam tới Bắc.
Lần này, tôi ra Trường sa cùng các anh cựu Học viên Quân chính lê nin và gia đình. Trước ngày đi, tối 3/5/2023, tôi mời các anh về nhà tôi ăn cơm. Rất lâu rồi chúng tôi mới có dịp ngồi với nhau tại TP HCM. Tôi đưa những chai rượu Whisky Starward của Úc lên, loại rượu được chọn cho chuyến đi lần này. Đây là loại rượu Whiski được bình chọn là ngon nhất nước Úc năm 2022 và đạt giải Huy chương vàng trong cuộc thi Quốc tế: THE WORLD WHISKY MASTER 2022, tuy nhiên rượu hơi nặng nên sau vài ly một số người chuyển sang rượu vang đỏ và bia. Râm ran và hàn huyên tới 10h mới chia tay.
Ngày 4/5/2023
Chiều 4/5/2023, Toàn đoàn trập trung tại nhà khách BTL Hải quân, số 1 Tôn Đức Thắng, TP HCM test Covid họp, nghe phổ biến mục đích chuyến đi, những quy tắc, mệnh lệnh hành quân và thông báo thành lập Đoàn công tác số 9 do Chuẩn Đô đốc Lương Việt Hùng , Phó TL QC Hải Quân làm trưởng đoàn, Trung tướng Nguyễn Trần Thắng, UVTWĐ, tư lệnh QK7 trưởng đoàn Quân khu 7.
Hàng năm, Quân chủng Hải Quân tố chức khoảng 10-17 đoàn công tác ( tuỳ tình hình thời tiết) bao gồm nhiều thành phần, nhiều lực lượng ra thăm Trường sa để động viên Quân và dân trên đảo Trường sa vững vàng với nhiệm vụ được tồ Quốc giao đồng thời cảm nhận, tuyên truyền hình ảnh của tổ quốc cho nhân dân. Trưởng đoàn công tác luôn được giao cho 1 Phó tư lệnh Quân chúng Hải quân đảm nhiệm.
Cũng như các đoàn công tác khác, đoàn công tác số 9/23 có nhiều đoàn cùng tham gia: Trường cảnh sát, Bộ công an, Bệnh viện 175, Hội nông dân, Công ty Tân cảng, Hiên hiệp các hội Khoa học kỹ thuật, UBND các tỉnh, Hội Cựu HV HVQCLN… Tuy nhiên chủ lực là đoàn QK 7 với hơn 103 cán bộ tham gia. Trung tướng, UVTWĐ, UV Quân uỷ trung ương Nguyễn Trường Thắng cho biết: Nếu theo chế độ, cứ mỗi năm, mỗi quân khu được vài người tham gia thăm Trường sa thì đến bao giờ, những cán bộ của QK 7 mới được tham quan TS và anh đã trực tiếp bay ra gặp và đề nghị với BQP cho cán bộ QK7 được tới Trường sa với số lượng lớn. Đề nghị được chấp thuận và Đoàn công tác số 9 năm 2023 là chuyến đi có số lượng lớn nhất cấp Quân khu, Quân đoàn do BTL HQ tổ chức từ trước tới nay. Trung tướng Nguyễn Trường Thắng thay mặt QK7 phát biểu và tặng 50 tỷ để xây dựng nhà đa năng cho Trường sa,
Đoàn Cựu học viên Học viên Quân chính Lê Nin do Trung tướng Nguyễn Tuấn Dũng nguyên Phó chủ nhiệm TCCT là chủ tịch đã gửi đơn đề nghị xin được tham gia 50 người nhưng chỉ được phê duyệt 20 người gồm 6 cấp tướng. Tất cả các đoàn đều phải giảm con số vì số lượng đăng ký quá lớn mà sức chứa của tàu thì bị giới hạn và lần này con tàu có sức chứa 190 người đã nhận gần 300 người. Thế mới thấy được tình cảm của người VN đối với những vùng đất thiêng, với những địa đầu tổ quốc lớn đến thế nào.
Từ 3 tháng trước, gia đình tôi đăng ký 6 người và cũng chỉ được duyệt 3 người. Tôi phải nhờ BV 175 giúp cho thêm 3 suất với mong muốn đưa cả nhà tới Trường sa để các cháu có những cảm nhận sâu hơn về đất nước và thấy được trách nhiệm của mình với gia đình, với Tổ quốc. Mọi người trong nhà rất háo hức nhưng giây phút cuối, con gái đầu Thuỳ Linh không đi được, chỉ còn 5 người lên đường.
Ngày 5/5/2023
Buổi sáng, chúng tôi làm lễ dâng hương cho các liệt sỹ của những con tàu không số tại Lữ đoàn 125 Hải quân anh hùng. Đúng 8h con tàu rúc những hồi còi trầm hùng chào tạm biệt, trên bờ những sỹ quan Hải quân, những sỹ quan, Bác sỹ BV 175 trang nghiêm xếp hàng ngang dơ tay dưới vành mũ Kepi chào con tàu và những con người đang rời bến.
Trở lại trường sa lần này trong tôi có rất nhiều điều thú vị.
Vẫn con tàu KN 290 của lực lượng Kiểm ngư, màu trắng dạn dày giữa sóng biển mà tôi đi năm xưa, vẫn là đoàn trưởng: Chuẩn đô đốc Lương Việt Hùng người bé nhỏ, nhanh nhẹn, mái tóc đã bạc, vẫn là Thuyền trưởng Quách Quang cao to đẹp trai ( chỉ khác năm 2018 anh đeo đại uý và bây giờ là thiếu tá) cùng ekip tàu với rất nhiều người quen. Vẫn là trung tá Hợp tổ trưởng phục vụ ( năm 2018 anh là thiếu tá) vẫn là Tham mưu trưởng chỉ huy hành quân Thượng tá Quang hùng nghiêm túc dõng dạc ( năm 2018 anh là trung tá), vẫn là thiếu tướng, TS, NS, thầy thuốc nhân dân Nguyễn Hồng Sơn phong độ và nhân hậu… rất nhiều và rất nhiều người quen… Trung tá Nguyễn Mạnh Hà, tổ trưởng tổ quà, ôm lấy tôi và nói:
– 5 năm rồi mới gặp lại anh, em vẫn theo dõi về anh…
Sự gần gũi, thân thương làm cho tôi thấy như trở về nhà.
Do số lượng người đông và sức chứa con tàu có hạn, dư ra trên 80 người, nên có rất nhiều người phải nằm dưới sàn. Theo nguyên tắc, cấp tướng được ở 1 phòng riêng nhưng lần này phòng của cấp tướng được gép thêm 1 đại tá lương tướng nằm dưới sàn… nhiều anh em Quân chính nằm dưới sàn và con trai tôi cũng nằm dưới sàn. Và xin nói thêm, để có phòng cho cấp tướng, các sỹ quan, cán bộ và khách đi tàu được ngủ thì tất cả cán bộ tàu, từ thuyền trưởng, chính trị viên, các sỹ quan, nhân viên phục vụ đều phải nhường phòng của mình cho khách và xuống phòng máy, xuống nằm sàn. Một tinh thần lính và cũng chỉ có ở những người lính của HQND VN.
Tôi và Trung tướng Nguyễn Ngọc Tương được phân 1 phòng ở tầng 4. Tôi nhận ra đó là phòng mà thiếu tướng Nguyễn Hồng Sơn đã ở năm 2018. Tất nhiên là Trung tướng Nguyễn Ngọc Tương được nằm trên giường và tôi nằm dưới sàn nhưng Nguyễn Ngọc Tương không chịu xuống sàn nằm và bắt tôi nằm trên giường vì dù đeo trung tướng nhưng Nguyễn Ngọc Tương vẫn luôn coi tôi là người anh như những năm tháng chúng tôi cùng học ở nước Nga xa xôi tuyết lạnh…
Con tàu hành quân với tốc độ 10 hải lý/h ( khoảng 18 km/h). Ra tới gần phao số không là mất sóng và từ đây chúng tôi hoàn toàn mất liên lạc với đất liền, không sóng điện thoại, không 3G, 5G, internet…
Biến xanh, trời xanh và gió mát, con tàu mang những trái tim đến với Trường sa.
9h, trung tướng Nguyễn Trường Thắng mời Nguyễn Ngọc Tương và tôi sang phòng của anh giao lưu. Biết tôi là thầy giáo của Trung tướng, chính uỷ QK 7 Trần Hoài Trung, trung tướng Nguyễn Trường Thắng rất vui.
– Tôi cũng học ở Nga, anh giới thiệu.
– Anh học ở Học viện nào? Tôi hỏi
– Vorosilov. Trung tướng Nguyễn Trường Thắng trả lời.
– Đó là học viện danh giá nhất của quân đội Xô viết, Học viện đào tạo cấp tướng cho quân đội Liên xô (nay là nước Nga). Tôi giải thích thêm
Ở Nga có 2 Học viện lớn của quân đội: Học viện Voroshilop, Học viện cao cấp của Bộ tổng tham mưu quân đội Liên xô mang tên nguyên soái Kliment Yefremovich Voroshilov, đào tạo các sỹ quan cấp tướng và Học viện Quân sự chính trị mang tên Lê nin, đào tạo những sỹ quan chính trị cao cấp cho quân đội xô viết và quân đội nước ngoài.
Chúng tôi cụng ly vì chuyến đi, vì những năm tháng đã học ở đất nước Nga…
11h, chỉ huy tàu thông báo ăn trưa, chúng tôi nhanh chóng lên phòng ăn tầng 5 dành cho chỉ huy đoàn. Tôi nhận ra phòng thân quen năm xưa cùng chuẩn đô đốc Lương Việt Hùng và Thiếu tướng Nguyễn Hồng Sơn trong 10 ngày mà bồi hồi.
9 tướng lĩnh và cựu bộ trưởng Nguyễn Quân, nguyên UVTWĐ cùng Giám đốc công an Thừa thiên Huế nâng ly chúc mừng chuyến đi. Trung tá Hợp đưa thùng rượu whisky Starward của Úc lên. Lần trước, tôi mang gần 100 chai rượu đi để giao lưu. Tuy nhiên rượu hơi nặng và Tư lệnh Nguyễn Trường Thắng đề nghị uống rượu QK 7 nên từ đó tôi dành tất cả rượu cho các anh QCLN dưới phòng ăn tầng 4. Bữa ăn được BTL HQ đài thọ suất ăn cho khách ra Trường sa là 248.000 đ/ngày cùng những người lính tàu KN 290 chuyên nghiệp và tận tình nên bữa ăn rất ngon, đầy đủ thịt, cá, rau…
Sau bữa ăn là giấc ngủ trưa, nhiều người không ngủ háo hức ra ngắm biển với những tâm trạng hồi hộp.
13h30, loa phóng thanh vang lên khắp các phòng: “ Hết giờ ngủ, toàn tàu báo thức, bào thức toàn tàu. Hết giờ ngủ, toàn tàu báo thức, bào thức toàn tàu.” Những âm thanh quen thộc năm nào dội về làm thức dậy những kỷ niệm. Vậy mà đã 5 năm, vậy là mình đã sang bên kia triền núi…
Mặt trời đang xuống dần, tàu đã ở ngoài khơi, biển tím sẫm, gió mạnh hơn. Trên bong, trong khoang thuyền trưởng rất nhiều người ngắm biển và chụp ảnh.
Sau bữa tối, chúng tôi tập trung tại khu vực sân bay trực thăng thi văn nghệ quần chúng. Các tướng lĩnh cũng tham gia hết lòng.
Ngày 6/5/2023
Tàu tiếp tục hướng về Gạc ma, nơi thiêng liêng của Tổ quốc. Thiếu tướng Nguyễn Văn Tương thông báo Áp thấp nhiệt đới đã di chuyển sang hướng Trung quốc, Biển sẽ bình yên hơn.
Buổi tối, Lãnh đạo QK7 tổ chức thi hát và làm sinh nhật tập thế cho những người có ngày sinh nhật trong tháng 5 trong đó có Trung tướng Nguyễn Trường Thắng. Có lẽ đây là một buổi sinh nhật đặc biệt nhất mà tôi từng gặp.
Ngày 7/5/2023
COLIN, LEN ĐAO, GACMA
5h00, tiếng loa phát thanh vang lên: “Hết giời nghỉ, toàn tàu báo thức, báo thức toàn tàu. Hết giời nghỉ, toàn tàu báo thức, báo thức toàn tàu”. Trung tướng Nguyễn Ngọc Tương thức dậy theo nếp sống bộ đội, tôi vẫn còn chần chừ 1 chút vì không ăn sáng.
6h00 Loa lại vang lên yên cầu mọi người tập trung tại sân bay để làm lễ dâng hương cho các liệt sỹ.
Chúng tôi bước ra bong tàu, dọc về cuối tàu, nơi có bãi đáp trực thăng. Mọi người đã tập trung đông đủ, tôi bước vào hàng cùng những người lính, đầu đội chiếc mũ cối có ngôi sao. Trời mưa to dần, áo mọi người đẫm nước mưa. Đứng đầu hàng quân, nơi có bàn thờ Liệt sỹ là trung tướng Nguyễn Trường Thắng và Chuẩn đô đốc Lương Việt Hùng và Trung tướng Nguyễn Tuấn Dũng, những dòng nước mưa chảy tràn qua mặt, ngấm ướt bộ quân phục. Sau phút mặc niệm trang nghiêm, Đại tá Đỗ Hồng Duyên, chủ nhiệm chính trị Vùng II BTL HQ đọc diễn văn rất xúc động:
“ Kinh thưa anh linh các anh hùng liệt sỹ…
Cách đây 35 năm về trước, vào ngày 14/3/1988 đã diễn ra cuộc chiến đấu của cán bộ chiến sỹ Hải quân nhân dân Việt nam chống lại kẻ thù xâm lược, để bảo vệ chủ quyền biển đảo thân yêu…”
Bài diền văn đã nêu rõ Âm mưu độc chiếm biển đông của Trung quốc. Ngày 14/3/1988 Trung quốc đã sử dụng lực lượng tàu chiến mạnh, bất ngờ tấn công, bắn cháy, bắn chìm 3 tàu vận tải của ta: HQ505; HQ604; HQ605 của lữ đoàn 125, 146, lữ công binh 83 HQ. Bộ đội ta khi đó tay không súng, chỉ quốc xẻng, tựa lưng nhau nhìn thẳng vào những tên lính Trung quốc hung bạo đang nổ súng vào những người lính VN không vũ khí. Biết không thể sống, không thể giữ đảo, thiếu uý Trần Văn Phương đã quấn lá cờ Tổ quốc quanh mình động viên đồng đội: “ Không được lùi bước, phải để cho máu của mình tô thắm lá cờ Tổ quốc”. Đồng đội của anh đã bên anh quanh lá cờ, máu của họ thấm đỏ lá cờ sau những loạt súng tàn bạo của lính Trung quốc.
Cùng với liệt sỹ Trần Văn Phương là những tấm gương hi sinh của các liệt sỹ: Trung tá Trần Đức Thông lữ phó 146, Đại uý Vũ Phi Trừ, thuyền trưởng HQ 604 và nhiều liệt sỹ khác đã anh dũng hi sinh giữ đảo. Thiếu tá Vũ Huy Lễ đã bình tĩnh lao thẳng con tàu HQ505 lên bãi ngầm Colin để trở thành pháo đải, xác định cột mốc chủ quyền của Tổ quốc.
Đó là câu chuyện của các liệt sỹ đã hi sinh để bảo vệ chủ quyền của Tổ quốc và lúc này tôi muốn kể về câu chuyện của những người đang sống, những người đang đứng trên bong tàu thắp hương cho các liệt sỹ. Đó là những Cựu học viên Học viện QCLN yêu quý của chúng tôi.
Đứng dưới trời mưa, trong tay là cây hương, mắt nhìn sâu thẳm là Đại tá, Đinh Xuân Thế, nguyên là người lính tàu không số, nguyên nguyên là bí thư chi đoàn tàu HQ903 ( trước đây là tàu V635) và là người giới thiệu anh hùng liệt sỹ Vũ Phi Trừ vào đảng. Bên cạnh anh, dáng cao gầy của Đại tá Nguyễn Đình Triệu, nguyên Thuyền phó 1 ( sau thuyền trưởng) của con tàu anh hùng HQ505 và một người rất đặc biệt với dáng thấp lùn, mắt hướng về những cây hương là chuẩn đô đốc Mai Tiến Tuyên. Anh nguyên là thuyền trưởng con tàu HQ604. Năm 1986, Mai Tiến Tuyên được BQP cử sang Liên xô học tại Học viện QCLN, trước khi đi anh đã bàn giao vị trí thuyền trưởng, con tàu và những đồng đội thân yêu cho Đại uý Vũ Phi Trừ ( khi đó là thượng uý).
Vào một ngày cuối tháng 3/1988, chúng tôi đi học về thì nghe: thiếu tá Mai Tiến Tuyên vừa đi vừa khóc khi nghe tin con tàu HQ604 của mình cùng thuyền trưởng Vũ Huy Trừ và những người đồng đội của anh bị quân Trung quốc bắn chìm. Đang trong lúc đau thương, một sỹ quan châu phi nghênh ngang trước mặt. Thấy thái độ hách dịch, Thiếu tá Mai Tiến Tuyên chỉ tay vào mặt sỹ quan châu phi:
– Bọn Trung quốc
Rồi vừa khóc anh vừa nhảy lên song phi tên “Trung quốc”. Người sỹ quan châu phi né được và bỏ chạy, cửa kính ngăn khu thang máy và hành lang khu ở bị vỡ. Ngày hôm sau Mai Tuyên được Đại tá Nhicolaiep mời lên làm việc. Mai Tuyên bình tĩnh bước vào phòng của trưởng khoa với ý thức sẽ về nước và không cần xin xỏ. Đại tá Nhicolaiep hỏi
– Đ/c cho biết, vì sao đ/c đánh sỹ quan nước ngoài?
– Tôi đánh nó vì thái độ ngông nghênh giống bọn Trung quốc.
– Trung quốc nghĩa là sao, đ/c giải thích rõ.
Lặng im 1 lúc Mai Tuyên mới nói:
– Tàu của tôi bị Trung quốc bắn chìm, đồng đội của tôi bị Trung quốc giết, bọn Trung Quốc chiếm đảo của đất nước tôi…
Mai tuyên bình tĩnh và chờ sự phán quyết: Kỷ luật về nước.
Đại tá, trưởng khoa Nhicolaiep lặng trầm hồi lâu rồi nói:
– Đánh sỹ quan nước ngoài là 1 hành vi rất nghiêm trọng và bị kỷ luật về nước. Tuy nhiên trường hợp của đ/c là đặc biệt, đ/c về xin lỗi người sỹ quan nước ngoài bị đánh và từ nay không được vi phạm việc này.
Hôm đó, đi học về, Mai Tuyên xuống gõ phòng của người sỹ quan Châu phi. Thấy Mai tuyên cao 1m53 bước vào, người sỹ quan cao 1,9m lùi lại sợ Mai Tuyên song phi tiếp. Mai Tuyên bình tĩnh xin lỗi, bình tĩnh giải thích và mọi chuyện ôn hoà. Nhờ lòng nhân hậu của Đại tá, trưởng khoa Nhicolaiep, nhờ người sỹ quan châu phi cao lớn không kiện mà chúng ta có 1 chuẩn đô đốc Mai Tuyên dù có thấp về chiều cao nhưng cao về khí phách của HQ nhân dân VN anh hùng.
Mua bất chợt nặng hạt, những dòng nước mưa chảy tràn mặt trung trướng Nguyễn Trường Thắng và Chuẩn đô đốc Lương Việt Hùng và Trung tướng Nguyễn Tuấn Dũng. Tất cả những người làm lễ trên bong ướt hết, nước mưa thấm lạnh. Chúng tôi thả hoa và những con hạc giấy xuống biển cho các liệt sỹ với lòng trân trọng. Những vòng hoa bồng bềnh trên sóng biển khơi, phía xa là hàng trăm con tàu to lớn của Trung quốc đang rập rình. Đại tá Đỗ Hồng Duyên cho biết: Ta chỉ có vài chục con tàu kiểm ngư độ choán nước 2.000 tấn nhưng Trung quốc đóng hơn 300 con tàu có độ choán nước 20.000 tấn, gấp 10 lần KN 290 và chúng luôn hằm hè biển khơi.
Chúng tôi lên Đảo Len đao, hòn đảo mà tôi đã lên năm 2018, vẫn bé nhỏ, hiên ngang và đặc biệt, đàn chó ở đây rất thân thương với con người. Hễ thấy người đến là chúng quấn quýt, vẫy đuôi, thè lưỡi liếm người, liếm mặt. Trung tướng Hoàng Quốc Việt rất thích thú với tấm ảnh con chó thè lưỡi liếm mặt mình. Tôi và Đại tá Phạm Anh Tuấn được đàn cho quấn quýt rất cảm động và tôi chợt nhớ lại một bài thơ của người người lính đảo.
BƠI VÀO ĐI
Bơi vào đi, Vàng ơi, tao về đây
Đừng ra xa, thân thể mày bé lắm,
Sóng thì to, nước biển kia rất mặn
Mày cứ bơi ra, sao tao thể cầm lòng…
Bơi vào đi vàng ơi, có nghe không
Mày quyến luyến làm lòng tao chợn sóng
Đại dương mêng mông, thân thể mày bé bỏng
Cứ ngước về tàu, sao tao thể cách xa…
Bơi vào đi, Vàng ơi, quay lại nhà
Tao phải về thôi vì đã xong nghĩa vụ
Và tao biết đêm qua mày không ngủ
Cứ liếm tay tao, sợ tao trốn mày về
Đừng vậy nữa mà, Vàng ơi, Tao thương ghê
Thương những đêm tao và mày đứng gác
Gió bão từng cơn mày vẫn không sai khác
Phủ phục canh me bọn cướp biển chực chờ
Về đi mày, đừng bơi nữa, tao nhờ
Tao xin lổi, bởi đã xong nghĩa vụ
Và tao biết chừng ấy vẫn chưa đủ
Nhưng phải vào bờ, anh em khác ra thay
Về đi mày
Đừng bơi nữa
Mắt cay
Thế đấy, ai đã gặp những con chó trên đảo Trường sa, ai đã đọc bài thơ này đều cùng cảm xúc thiêng liên và cùng suy nghĩ: Không thể ăn thịt chó. Đại tá TS Phạm Anh Tuấn đặt tên: Dân tộc Cờ Hó
Tôi cùng các con và vợ chụp ảnh bên cột mốc thiêng liêng rồi giải thích thêm cho các cháu về cuộc sống bộ đội. Tôi nói với Minh Hoàng
– Lẽ ra, chỗ của con là ở đây.
Sau khi thăm Trường sa, tôi muốn con trai tôi trước khi vào đại học thì nên có 2 năm nghĩa vụ quân sự để rèn luyện bản lĩnh. Tôi đã xin QC PKKQ cho cháu nhập ngũ, ra Trường sa và được các anh đồng ý. Thế nhưng vợ tôi không đồng ý nên lại thôi. Thật sự, đây là 1 điều rất đáng tiếc với tôi vì để rèn luyện con thành một người trưởng thành, 1 lãnh đạo DN lớn thì điều quan trọng nhất là ý chí, là bản lĩnh.
ĐẢO SINH TỒN ĐÔNG
Chiều 7/5, chúng tôi lên Đảo đá tây C, sóng gió mạnh nên thuyền đổ bộ không thể cập bến. Chỉ huy đoàn công tác quyết định cho đổ bộ vào bãi cạn và dùng ghế dựa xếp thành hành từ dưới biển lên cho đại biểu bước lên bờ. Chỉ 1 số rất ít đại biểu được lên bờ, còn lại là ở nguyên trên tàu KN 290.
Chúng tôi lên Cano, những con sóng chồm lên, đưa Cano lên cao vài mét. Chiếc cano chầm chậm đi trên bãi cạn, thỉnh thoảng đáy chạm cát. Thuỷ thủ tàu đầy kinh nghiệm cho cano lách qua những cụm cát đá bên dưới, cách đáy tàu chỉ 1-2 m không để tàu mắc cạn rồi tiến vào gác mũi lên bãi cát. Ở trên bờ những người lính Hải quân đầy kinh nghiệm bắc 1 hàng ghế dựa dài từ dưới biển tạo thành đường để đại biểu đặt chân và lên bờ. Những người lính đảo khéo léo, kinh nghiệm đỡ từng người an toàn lên bờ.
Chúng tôi thăm bộ đội, chụp ảnh với những người lính HQ trẻ và Văn công QK7 hát cho lính đảo nghe
Vì điều kiện thời tiết nên mọi người phải nhanh chóng rời khỏi Đảo trước khi nước rút. Trước khi rời đảo anh em QCLN cũng cùng chụp bên cột mốc Đảo sinh tồn Đông của tổ quốc.
Buổi tối, tàu quay lại Len đao, Gacma. Chuẩn đô đốc Lương Việt Hùng cho biết: Một lần ra Trường sa, khi đang làm lễ thả hoa ở Gacma thì có 1 chị phụ nữ bị nhập hồn, chạy đến ôm vai bộ đội và ôm vai đoàn trưởng mừng rỡ. Anh em trên tàu rất ngạc nhiên và hỏi:
– Đ/c là ai?
– Trừ đây, Vũ Phi Trừ đây. Giọng của người nhập hồn vui vẻ
– Mừng quá, các đ/c ra thăm chúng tôi mừng quá
Anh em bán tín bán nghi nhưng vì đây là nơi linh thiêng, hơn nữa chị phụ nữ này làm sao mà biết Vũ Phi Trừ là ai. Để bảo đảm sự trân trọng các liệt sỹ và sư thiêng liêng, trưởng đoàn công tác đã có lời.
– Các đ/c thông cảm, Quân chủng, Bộ và nhà nước rất đau lòng khi xương thịt của các anh vẫn ở dưới biển khơi. Đảng và nhà nước đã nhiều lần đề nghị bằng con đường ngoại giao để thực hiện việc đưa các anh về nhưng phía Trung quốc không chấp nhận, rất mong các anh thông cảm
– Chúng tôi hiểu và các đ/c đừng lăn tăn gì cả
– Ở dưới đó các anh có thiếu và có cần gì không? Chỉ huy đoàn công tác hỏi
– Chúng tôi đầy đủ, Yên tâm đi
Những người đồng đội còn sống xác nhận đây đúng là cách nói của Đại uý Vũ Phi Trừ.
Câu chuyện đúng sai chưa rõ nhưng thật sự thiêng liêng. Chuẩn đô đốc Lương Việt Hùng có ý thức mỗi lần ra Trường sa, sau khi đi thăm các đảo là về lại Lendao, dừng tàu 1 đêm hát cho linh hồn các anh nghe.
– Chẳng biết các anh có nghe được không nhưng đó thực sự là một tình cảm, một trách nhiệm của người còn sống. Chuẩn đô đốc Lương Việt Hùng nói với tôi.
– Họ nghe được đấy anh. Tôi trả lời anh, sóng biển lắc lư con tàu
Buổi tối, QK7 tổ chức mời cơm mừng ngày giải phóng Điện biên. Đang cụng ly bất chợt, trên loa bài hát: Trường sa và mẹ, nhạc Đức Trịnh, lời thơ LTM vang lên trong đêm trên Gacma, nơi địa đầu thiêng liêng của Tổ quốc. Đoàn văn công QK7 đã lên bong hát cho các liệt sỹ nghe…
Đại tá hải quân Nguyễn Thế Thảo, sỹ quan lớn tuổi nhất của đoàn QCLN nâng ly:
– Chúc mừng ngày giải phóng điện biên, chúc mừng Hải quân nhân dân VN anh hùng, ura
– Ura, ura, ura…
Những tiếng ura kéo dài vừa là chúc mừng ngày lễ dân tộc, Quân chủng HQ vừa là tình cảm với nước Nga, nơi đã đào tạo chúng tôi.
Tiếng Ura lại dội lên khi trung tướng Nguyễn Trường Thắng cầm ly tới bàn QCLN chúc mừng. Đại tá Nguyễn Thế Thảo nâng ly chúc trung tướng Nguyễn Trường Thắng:
– đ/c là một sỹ quan đặc biệt, xin chúc đ/c lên cao hơn (xin không nói cụ thể)
– Lên cao, đó là nhiệm vụ mà Đảng và BQP giao phó, nhưng là 1 vị tướng, ta không để cho kẻ thù bắt nạt dân tộc VN.
– Ura, Ura, Ura…
Những tiếng hô kéo dài, những ly rượu cạn nhanh trong tình cảm trân trọng.
Có thể nhiều người cụng ly không cảm nhận hết câu nói:
– “Là vị tướng, chúng ta không để cho kẻ thù bắt nạt dân tộc VN”
của trung tướng Nguyễn Trường Thắng nhưng tôi liên tưởng ngay tới lời thề của Đại tướng Lê Đức Anh, lời thề khắc sâu vào ý thức và tự hào dân tộc VN:
“ Chúng ta xin thề trước hương hồn của tổ tiên ta, trước hương hồn của cán bộ, chiến sĩ đã hy sinh vì Tổ quốc, xin hứa với đồng bào cả nước, xin nhắn nhủ với các thế hệ mai sau “Quyết tâm bảo vệ bằng được Tổ quốc thân yêu của chúng ta, bảo vệ bằng được quần đảo Trường Sa – một phần lãnh thổ và lãnh hải thiêng liêng của Tổ quốc thân yêu của chúng ta”.
Tôi muốn chuyển câu nói này của tướng Thắng đến cục chính trị QK7 và đến con tàu KN 290 để câu nói của anh được treo bên cạnh câu nói của Đại tướng Lê Đức Anh trên con tàu, để mỗi lần ra đảo mọi người đều thấm hiểu, để các tướng lĩnh thấy được trách nhiệm của mình.
Sau khi trung tướng Nguyễn Trường Thắng sang chúc bàn khác, bất chợt 1 thanh niên cao to, đẹp trai tới bàn QCLN. Thật không ngờ, đó chính là con trai thuyền trưởng Vũ Phi Trừ. Đại tá Đinh Xuân Thế đã kể lại câu chuyện giới thiệu kết nạp Đảng cho đoàn viên Vũ Phi Trừ, rồi những câu chuyện quanh Vũ Phi Trừ được kể xúc động.
Chúng tôi cùng kéo lên phòng ăn tầng 5 để chúc mừng các tướng lĩnh. Tôi kể lại câu chuyện Chuẩn đô đốc Mai Tuyên đánh sỹ quan châu phi tý bị đuổi học… con trai Đại uý Vũ Phi Trừ
đã khóc. Trung tướng Nguyễn Trường Thắng xúc động nói:
– Cháu là con trai của 1 anh hùng, cháu phải xứng đáng. Khi nào giỗ bố cháu, chú sẽ đến thắp hương.
Bất chợt, các vị tướng cất tiếng hát, mở đầu là trung tướng Nguyễn Ngọc Tương, Thiếu tướng Nguyễn Hồng Sơn và sau đó là 1 nghệ sỹ Violon kéo bài Chào Việt nam do tôi dịch lời.
Thật là sâu sắc và ý nghĩa.
Ngày 8/5/2023
ĐẢO ĐÁ TÂY C
Chúng tôi thức dậy trong ánh bình minh của một ngày mới. Những cánh chim Hải âu xa mờ. Phía trước là đảo ĐẢO ĐÁ TÂY, gồm 3 đảo: Đảo đá Tây A, Đảo đá Tây B, Đảo đá Tây C. Chỉ có đảo đá tây A là đảo nổi còn 2 đảo B và C là đảo chìm. Lần này đoàn công tác số 9 được bố trí lên Đảo đá tây C (8°52′32″B 112°13′50″Đ ), một đảo gồm 1 nhà 3 tầng có diện tích trên 100 m2, nối với 1 nhà văn hoá đa năng, cả 2 được xây trên bãi san hô dưới mặt nước từ 2-4m.
Mọi người vây quanh cùng hát, ở vòng giữa Trung tướng Nguyễn Trường Thắng ôm đàn ghi ta vừa đệm vừa hát cho bộ đội đảo nghe, chuẩn đô đốc Mai Tiến Tuyên đứng bên cạnh cầm micro hát, Trung tướng Nguyễn Tuấn Dũng cũng ngồi hát cho bộ đội nghe: Ngồi bên các anh là những người lính Hải quân còn rất trẻ, chỉ độ 19-20, cái tuổi còn non choẹt mà đã gánh trên vai 1 trọng trách của đất nước, chuẩn .
Chúng tôi cùng hát, những bài hát bay lên giữa sóng nước biển khơi hào hùng và xúc động.
“ Biển này là của ta, đảo này là của ta, Trường sa…”
Có lẽ hình ảnh những vị tướng đàn và hát cho bộ đội nghe ở những nơi gian khó sẽ rất hiếm, rất quý. Trung tướng Nguyễn Trường Thắng, Trung tướng Nguyễn Tuấn Dũng và chuẩn đô đốc Mai Tiến Tuyên đã để lại những hình ảnh rất đẹp của những vị tướng của QĐNDVN, của những con người được đào tạo tại các Học viện Voroshilov và Quân chính Lê nin…
TRƯỜNG SA LỚN
14h Tàu KN 290 cập cảng Đảo Trường sa lớn, khác với các đảo khác, Trường sa lớn là Đảo duy nhất có cầu cảng, do vậy tàu cập sát cầu cảng và người đi tàu bước từ tàu ra ngoài và ngược lại dễ dàng.
Tôi đưa cả nhà đến thắp hương tại Đài liệt sỹ Trường sa để các cháu hiểu được sự hi sinh lớn lao của những thế hệ cha anh cho mảnh đất này. Chúng tôi đứng dưới bầu trời nặng trĩu mây đen và mưa nhẹ do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới vẫn còn để chờ tới lượt dâng hương. Những nén hương được thắp trong sự kính trọng. Sau khi dâng hương cho các liệt sỹ, chúng tôi bước qua phía bên kia đường băng về phía ngôi chùa và được sư thầy mời thỉnh chuông cùng chuẩn đô đốc Lương Việt Hùng và Trung tướng Nguyễn Ngọc Tương. 9 tiếng chuông vang lên cầu mong sự bình an cho đất nước và người dân Huyện đảo Trường sa, đoàn công tác số 9 và các cựu học viên Học viện quân sự chính trị mang tên Lê nin.
Tiếp theo, Chuẩn đô đốc Lương Việt Hùng và trung tướng Nguyễn Trường Thắng tổ chức buổi gặp mặt giữa cán bộ, các cấp trưởng của mọi bộ phận trên đảo. Trung tướng Nguyễn Trường Thắng báo cáo về tình hình hoạt động của cán bộ chiến sỹ QK7 trong thời gian qua với những thành tích: Về kinh tế, QK7 gồm 9 tỉnh thành chiếm trên 50% tổng sản lượng của cả nước, bảo vệ vùng trời, vùng biển và 1 dải biên giới vững chắc. QK 7 đà đơn vị tuyến đầu trong mọi gian nan của dân sự. Thời kỳ Covid, khi mà mọi người sợ hãi và ở trong nhà, các chiến sỹ QK 7 đeo khẩu trang đến từng ngõ, từng nhà đưa gạo, thực phẩm, thức ăn, nước uống cho dân. Việc xử lý xác chết của người dân khi đó rất khó khăn, các nhà hòm tăng giá lên nhiều lần, những người nghèo không có tiền lo tang lễ cho người thân… rồi cán bộ chiến sỹ QK7 cũng lao vào xử lý các xác chết do covid. Lao vào Covid cũng như lao vào cái chết, người lính QK7 đã không ngần ngại và đi đầu là Trung tướng Nguyễn Trường Thắng và Thiếu tướng Nguyễn Hồng Sơn. Đã có rất nhiều ý kiến đề nghị phong anh hùng cho các anh nhưng cả 2 đều cười bình dị:
– Nhiệm vụ mà.
Trung tướng đánh giá cao những cố gắng của Quân và dân trên đảo và động viên tinh thần anh bộ đội Cụ Hồ, phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân…
Tiếp theo Chủ tịch Hội, Trung tướng Nguyễn Tuấn Dũng và những cựu Học viên Học viện Quân chính Lê nin ra chụp ảnh chung bên cột mốc chủ quyền của Tổ quốc. Cả 5 người trong gia đình tôi cũng đứng bên cột mốc thiêng liêng chụp những bức ảnh kỷ niệm. Thiếu tướng Đào Văn Thọ và những cán bộ 175 đã tham gia trên 10 chuyến thăm trường sa cho biết:
– Đây là trường hợp đầu tiên có 1 gia đình đi đông đến thế. Những chuyến trước gia đình nào đông nhất chỉ 3 người.
Đại tá Bùi Xuân Linh nói:
– Khánh linh rất trách nhiệm khi lên đảo và chiều chiều xuống rửa bát với bộ đội trên tàu.
Thiếu tướng Nguyễn Văn Tương thông báo đang làm 1 bộ phim ngắn cho gia đình LTM. Anh yêu cầu chúng tôi chụp ảnh, đi lại quay phim. Phải nói tướng Nguyễn Văn Tương, chính uỷ Cảnh sát biển là người thận trọng, chuẩn mực và hết lòng vì anh em. Anh có tài chụp ảnh, làm phim và trong mọi chuyến đi, anh tự nguyện chụp, quay và làm phim cho đoàn…
Chúng tôi đến thăm Trạm xá trường sa, nơi 175 và tướng Sơn đã tâm huyết xây dựng và nhờ nó mà tính mạng của nhiều chiến sỹ, người dân đã cứu. Câu chuyện về 1 phụ nữ đau bụng đẻ trong mùa bão tố được BV 175 và trực tiếp BS Nguyễn Hồng Sơn chỉ đạo qua Tvtelecom cho các y tá đảo đỡ đẻ đã cứu được mẹ và con. Cháu bé được BS Nguyễn Hồng Sơn đặt tên là: Nguyễn Ngọc Trường Sa, một công dân được sinh ra trên mảnh đất địa đầu của Tổ quốc, trong gió bão là hình ảnh của một dân tộc đang vươn lên, vững vàng bảo vệ chủ quyền của Tổ quốc.
Gia đình tôi chụp ảnh trước bệnh xá và cũng xin nói thêm, KTS Nguyễn Ngọc Dũng, Ba của con rể tôi là tác giả kiến trúc và kính tặng bản vẽ cho quân dân Trường sa. Tôi muốn con rể và các con tôi đứng dưới những công trình mà cha ông đóng góp để cảm nghĩ về trách nhiệm của mình với Tổ quốc.
Rời trạm xá, chúng tôi đến thăm những người dân trên đảo. Chúng tôi vào 1 gia đình, 2 vợ chồng còn trẻ, 2 cháu trai, 1 cháu khoảng 10 tuổi, 1 cháu khoảng 4 tuổi rất dễ thương. Các cháu quấn quýt. Thật là yêu quý những công dân Trường sa.
Những cơn gió biển thổi lên mát rượi, Gia đình tôi cả 5 người cùng Thiếu tướng Đào Xuân Thọ, Thiếu tướng Nguyễn Văn Tương xuôi về cuối đường băng thăm trạm rada 11 của sư đoàn 377. Các sỹ quan trẻ và những người lính trẻ ngỡ ngàng trước sự ghé thăm của 2 sỹ quan cấp tướng. Nhìn những gương mặt rất trẻ của các cháu tôi hỏi và biết các cháu chỉ 19-20 tuổi. Cũng như lần trước, lần này chúng tôi cũng gửi quà cho tất cả các đơn vị PKKQ trên tất cả các đảo.
Trò chuyện với trạm rada 11, 1 sỹ quan nhận ra tôi:
– Lần trước, bác cũng đến thăm, tặng quà và sau khi về bờ bác gửi xe đạp và máy nổ ra cho đơn vị cháu và đơn vị Không quân bên cạnh. Một thượng uý nhìn tôi kể lại
– Bác còn mang rượu tây lên uống với chúng cháu mà bảo vệ họ không cho, cậu thượng uý kể tiếp.
Câu nói làm tôi nhớ lại kỷ niệm. Lần đó, tôi với Thiếu tá Phạm Anh Thông ( nay là thượng tá) trưởng đoàn văn công QCPKKQ để mấy chai rượu vào túi rồi lên bờ. 1 chiến sỹ HQ nghi ngờ và yêu cầu cho xem các bác mang gì lên đảo. Biết là không giấu được tôi nói thật để mong sự thông cảm:
– Bác mang chai rượu để uống với bộ đội PKKQ, Quân chủng của Bác. Cháu cho phép nhé
– Dạ không được bác ạ, đề nghị bác mang về tàu. Giọng của người lính rất kiên quyết.
Thế là tôi phải mang về tàu, nhưng sau đó cán bộ trên đảo xuống và bằng cách nào đó họ mang lên được nên khi ăn cơm với các đơn vị quản lý bay, chúng tôi có rượu uống.
Tiếp theo, chúng tôi đi về phía cuối đường băng nơi địa phận trạm rada 11. Một binh nhất trẻ măng, giọng nghệ an không cho chúng tôi vào mặc dù trưởng trạm rada 11 ra xin cũng không được.
– Vậy ai có thể giải quyết cho bác vào? Đoàn trưởng, chuẩn đô đốc Lương Việt Hùng được không cháu? Tôi hỏi
– Dạ không, phải là đảo trưởng.
Ôi trời, Chuẩn đô đốc Lương Việt Hùng quân hàm tướng, Phó Tư lệnh QCHQ, trưởng đoàn công tác 13 không nghe mà chỉ nghe trung tá Đảo trưởng thì nghiêm thật. Nói thế nào thì binh nhất cũng trang nghiêm ôm súng không cho chúng tôi vào. Tôi không giận mà khâm phục các cháu và từ hình ảnh của người binh nhất này, khi vào bờ tôi đã viết bài thơ Trường sa và mẹ. Bài thơ sau này được NS đức Trinh phổ thành bài hát và được đoàn VC QK7 hát cho các liệt sỹ nghe vào đêm 7/5/2023.
Trường Sa và mẹ
Chắc giờ này mẹ chưa yên giấc ngủ?
Biển nơi đây đã thức dậy rồi
Tiếng sóng vỗ thao thức bồi hồi
Để lòng con nhớ về nơi ấy.
Ở Trường Sa đang mùa nắng cháy
Bão tố trào dâng như muốn nhấn chìm
Từ sỏi đá, sắt thép và cánh chim
Mắt người lính mắt vẫn nhìn phía trước.
Ở Trường Sa chẳng có nhiều mong ước
Thèm giọng em thơ, thèm mùi đất quê nhà
Nước giếng làng trong mơ mát lạ
Nhường ngụm nước mưa cho mầm sống đâm chồi.
Hoa bàng vuông nở giữa tiếng cười
Đảo vẫn hiên ngang giữa muôn ngàn bão tố
Cột mốc thiêng liêng tung bay cờ đỏ
Chát mặn yêu thương, sâu nặng nghĩa con người.
Tuổi thanh xuân canh giữ biển trời
Tổ quốc gọi, ta thành người lính
Con yêu mẹ, yêu đất nước của mình
Biển bình yên, con sẽ về bên mẹ.
Mẹ ơi
Trường Sa, tháng 5/2018
Sau đó, các đơn vị PKKQ gọi điện xin Đảo trưởng và chúng tôi được vào ăn cơm với bộ đội PKKQ. Thấy bộ đội thiếu thốn, tôi đã hỏi và khi vào bờ, đã gửi cho các em, các cháu máy nổ, xe đạp cho bộ đội dùng.
Lần này vào thăm lại trạm rada 11 tôi và tướng Thọ, Tướng Tương hỏi thăm các cháu rất nhiều và cũng như lần trước, về bờ chúng tôi sẽ tiếp tục gửi quà của anh em QCLN ra cho các cháu gồm: TV, xe dạp và đèn năng lượng mặt trời. Tôi giao việc này cho con rể làm và quyết tâm, trong tháng 5 hàng sẽ đến Trường sa với Bộ đội.
Chia tay các cháu mà cảm phục. Các cháu còn quá trẻ mà trách nhiệm thì lớn. Tôi hỏi con trai:
– Con có làm được như vậy không
Cháu chỉ cười và biết rằng làm được như các em, các anh thật là khó. Chỉ có môi trường quân đội mới đào tạo bản lĩnh con người mạnh mẽ và nhanh chóng.
Buổi tối, chương trình văn nghệ của đoàn văn công QK7, hát cho bộ đội nghe rất xúc động. Các diễn viên QK 7 say sưa hát, say sưa nhảy, cả hội trường sôi động, lính trẻ reo hò ầm vang. Rất vui, 2 bài hát của tôi: Về bên mẹ và cùng bước tới vinh quang được vang lên trong tiếng vỗ tay không ngừng của bộ đội. Có lẽ đó là cảm xúc lớn nhất dành cho người viết ca khúc. Cảm ơn Trường sa, cảm ơn những người lính đã cho tôi thêm năng lượng.
– Cô ca sỹ này khi tập bài của anh trên bờ đã khóc.
Đoàn trưởng VC QK7, Xuân Hùng nói với tôi. Tôi chạy tới bắt tay cô ca sỹ đã làm dậy sóng trong lòng chiến sỹ trường sa.
Lưu luyến nhưng giờ chia tay rồi cũng đến. Chiến sỹ, sỹ quan các quân binh chủng trên đảo xếp 2 hàng ngang vỗ tay hát. Đại biểu trên tàu cũng vỗ tay hát theo. Nghệ sỹ Trompet Hà Hùng Cường đã thổi những âm thanh dậy sóng. Những giai điệu về quê hương, Tổ quốc trên sóng nước trường sa thật sâu lắng.
– Chị yêu các em. Một nữ văn công xinh đẹp hô to và dơ tay vẫy vẫy.
– Có chú lính trẻ nào xin điện thoại chưa? Tôi hỏi cô văn công
– Dạ có rồi ạ, rất trẻ anh ạ. Cô văn công cười. Rồi cô quay vào bờ mắt nhìn theo đám lính trẻ vẫy vẫy. Con tàu đang rời bến.
– Trân trọng nhé, rồi một ngày những người lính này sẽ thành những vị tướng và kỷ niệm của các em sẽ đẹp lắm. Tôi nhắc cô bé
– Dạ, trân trọng ạ. Cô văn công quay lại nhìn tôi rồi lại rướn người vẫy vẫy những người lính đang xa dần.
Con tàu rúc 1 hồi còi tạm biệt để lại những xao xuyến. Tạm biệt Đảo Trường sa lớn, tạm biệt những người lính trẻ thân yêu.
Ngày 9/5/2023
Sau 1 hành trình dài, tàu đến khu vực các dàn DK1. Trước khi nói về DK1, tôi muốn kể lại câu chuyện mà 5 năm trước, chuẩn đô đốc Lương Việt Hùng đã kể cho chúng tôi.
Sau giải phóng 1975, khi mà khoa học kỹ thuật và các thiết bị hàng hải còn yếu kém, người sỹ quan trẻ Lương Việt Hùng đã thực hiện những nhiệm vụ vô cùng kỳ lạ: Các anh cho buộc 1 mỏ neo ngắn và cho tàu chạy, đến chỗ nào mỏ neo chạm đất thì cho tàu dừng lại thả neo và phao nổi để xác định đảo chìm, xác định chủ quyền của ta. Phải nói khi đó Đô đốc Giáp Văn Cương đã có 1 tầm nhìn rất xa. Tôi nói với chuẩn đô đốc Lương Việt Hùng:
– Công việc tưởng giản đơn nhưng đó chính là việc mở cõi của 1 quốc gia và Tướng Lương Việt Hùng là 1 trong những người mở cõi cho dân tộc.
– Nhiệm vụ mà bác. Lương Việt Hùng nhìn tôi cười bình dị.
Tiếp đến là 15 nhà dàn DK được xây dựng trên những vùng đảo chìm của vùng biển phía nam mà các anh đã tìm ra và tồn tại tới hôm nay.
Về nhà dàn, trước hết người trên bờ phải hình dung đó là 1 cái nhà bằng thép hình vuông, được xây trên 4 cột thép cắm xuống biển với độ sâu từ 10-30 m. Diện tích nhà dàn từ 100-150 m và có 4 tầng, sàn tầng 1 cách mặt biển khoảng 30 m. Trên mỗi nhà dàn có khoảng 12-15 người ở.
Trước khi lên dàn, chúng tôi làm lễ dâng hương cho các liệt sỹ đã hy sinh ở vùng biển phía nam, trên những nhà dàn bé nhỏ giũa biển khơi. Rất kỳ lạ, khi hàng quân vừa xếp hàng ngay ngắn làm lễ, trời đang nắng đổ ngay cơn mưa, những hạt mưa lại thấm ướt quần áo các tướng lĩnh và đại biểu trong đoàn.
Bài diễn văn của đại tá Đỗ Hồng Duyên, chủ nhiệm chính trị Vùng II BTL HQ xúc động kể về chiến công của những người lính nhà dàn, những người lính Hải quân trong cuộc chiến chống gió bão cấp trên 12 giữa biển khơi vào những năm 1990, 1996, 1998, 2000.
Ngày 04/12/1990, cơn bào số 10 đã ập tới nhà dàn DK 1/3 Phúc Tần trên cấp 12. Trạm trưởng Bùi Xuân Bổng và trạm phó chính trị, Thượng uý Nguyễn Hữu Quảng đã chỉ đạo bộ đội chống chọi với những cơn gió cực mạnh. Nhà dàn cùng 8 chiến sỹ bị cuốn xuống biển. Trong gian nguy Thượng uý Nguyễn Hữu Quảng đã nhường miếng lương khô cuối cùng và chiếc phao cá nhân cho người chiến sỹ của mình rồi lặng lẽ chìm vào lòng biển…
Năm 1998, cơn bão số 8 ập tới nhà dàn Phúc nguyên DK 1/16 với những trận cuồng phong hung dữ. Đại uý Vũ Quang Chương trạm trưởng nhà dàn cùng đồng đội chống đỡ trong đêm tối và giữ vững liên lạc với đất liền. Bão lớn, nhà dàn nghiêng dần. Trong giây phút cuối, Đại uý Vũ Quang Chương báo về Quân chủng những lời cuối cùng:
“ Chào thủ trưởng, chào đất liền, chúng tôi đi”.
Nhà dàn sụp đổ và các anh mãi nằm lại dưới đáy biển khơi bao la….
Và rất lạ, khi chúng tôi thả những bông hoa và những cánh hạc giấy xuống biển thì cơn mưa vừa tạnh. Thay quần áo xong, chúng tôi lên bờ thăm nhà dàn.
Năm 2018 tôi đã được lên thăm 1 nhà dàn DK1 và chứng kiến những tấm thép cao 3m, rộng 1,5m dày15 cm bị bão cuốn cong và đó cũng hình thành 1 ý trong bài thơ Trường sa và mẹ:
Cả nhà tôi lần lượt leo lên nhà dàn, thăm nơi ở và làm việc của bộ đội. Ở đây có 2 nhà dàn, 1 nhà dàn cũ, thấp và nhỏ hơn, cách nhà dàn mới khoảng 25 m. Trước đây, khi khoa học kỹ thuật còn kém, chúng ta đã xây những nhà dàn chưa thật sự bảo đảm an toàn. Sau những trận bão lớn, sau những hi sinh của bộ đội, Chính phủ và BQP đã quyết tâm xây lại những nhà dàn mới với giá trị mỗi nhà dàn khoảng 1.000 tỷ, to hơn, kỹ thuật an toàn có thể chống chọi với gió bão cấp nhất. Nhà dàn cũ bây giờ chỉ để chăn nuôi heo, chó và trồng rau. Tôi đưa cả nhà đi thăm quan vườn rau, thắp hương cho 1 trung uý trẻ đã hy sinh và chỉ cho con trai, con gái và con rể thấy cuộc sống gian nan của người lính nhưng họ vẫn chịu đựng vẫn vững vàng và hoàn thành nhiệm vụ
Cũng như các điểm khác, Quân chủng HQ, QK 7 và Hội học viên HV QCLN cùng các doanh nghiệp tặng quà cho Bộ đội trong tình cảm trân trọng, yêu quý.
Chúng tôi xuống cano để về tàu lớn. Thật là vất vả khi từ nhà dàn xuống cano. Những con sóng nâng Cano lên xuống vài m, bước chân phải nhanh, không thấp quá để thành Cano nghiến đứt bàn chân vào cột thép lên xuống. Các chiến sỹ Hải quân đứng dước Cano đón từng người trở về tàu an toàn.
Đây là điểm cuối của chuyến đi. Một hồi còi vang lên, tạm biệt Trường sa, con tàu hướng về TP HCM
Tối 9/5/2023, Quân chủng Hải quân tổ chức chiêu đãi toàn đoàn nhân ngày thành lập QC HQNDVN anh hùng và cũng là ngày chiến thắng Phát xít Đức. Những bài hát về HQ, những bài hát Nga lại vang lên trên tàu.
Chắc sẽ có người chưa thật sự hài lòng khi thấy anh em chúng tôi nặng lòng với nước Nga. Câu trả lời là chúng tôi nặng lòng với cả 2 đất nước, nơi đã dạy dỗ chúng tôi nên người và giúp nhân dân VN từ lương thực, súng đạn và cả máu để VN dành được độc lập.
Ngày 10/5/2023
Buổi sáng, lãnh đạo đoàn công tác tổ chức trao tặng huy chương chiến sỹ Trường sa cho những người tham gia chuyến đi. Có 23 người được trao tặng Kỷ niệm chương: Vì sự nghiệp trường sa. Đây là lần thứ 2 tôi được nhận phần thưởng cao quý này, một phần thưởng động viên cho người nhận phải có trách nhiệm nhiều hơn với biển đảo quê hương.
16h, tàu cập bến Cảng cát lái, chúng tôi bắt tay và tạm biệt nhau, tạm biệt 1 chuyến đi hết sức ý nghĩa.
Tạm biệt Trường sa, hẹn ngày trở lại.
LTM 5/2023.