MAISA MARA HUYỀN BÍ

0
201

MASAI MARA HUYỀN BÍ
( Xin được kể lại về 1 chuyến đi cho 1 người bạn)

Năm 2010, Gia đình tôi và 1 nhóm bạn cùng đi xem Worl cup tại Nam Phi, trước khi vào Nam Phi chúng tôi bay tới Kenya, một đất nước mà hễ nhắc đến là mọi người nghĩ ngay tới những cánh rừng nguyên sinh rộng lớn và những đàn thú hoang dã cùng những thổ dân châu phi đen nhánh đóng khố. Trưởng đòan là một người đã từng làm cho Liên hợp quốc, đã từng sinh sống tại Kenya và hiện đang làm doanh nghiệp du lịch nên rất thông thạo mọi việc. Anh bạn trưởng đòan thuê riêng 1 chiếc báy bay chở 12 người chúng tôi từ thủ đô Nairobi tới Masai mara. Nghe thuê 1 chiếc máy bay tưởng tiền tỷ nhưng giá vé mỗi người cũng chỉ đắt hơn vé Hà nội – TP Hồ Chí Minh một chút. Chiếc máy bay hiệu Caravan vừa ngóc đầu khỏi sân bay lập tức chúng tôi thấy những chú hươu cao cổ nghếch cái cổ dài ngoẵng bứt những ngọn lá tít trên cao. Nếu Các tiểu vương quôc Ả rập là mênh mông cát thì Thiên nhiên ở Kenya đã trải một địa hình bằng phẳng với những bậc thang cách nhau vài cây số mà trên đó là những cánh rừng nguyên sinh bạt ngàn, thỉnh thỏang xuất hiện những khỏang trống. 12 cặp mắt say sưa xuyên qua cửa sổ máy bay, đột nhiên chiếc Caravan nghiêng mình hạ độ cao. Lớp thanh niên choai ngồi phía trước reo ầm lên: Voi. Hóa ra thấy đàn voi từ xa anh phi công người Pháp hạ độ cao để mọi người nhìn rõ hơn. Một đàn khỏang gần 200 con voi đủng đỉnh ăn cỏ chẳng thèm để ý con chim sắt vớ vẩn trên trời. Chiếc máy bay lướt qua đàn trâu rừng và đàn dê đông đúc, chúng tôi nhìn rõ người chăn dê quàng vải đỏ và khăn đỏ tay cầm chiếc gậy.

Sau gần 2h lượn ngắm các đàn thú hoang chiếc máy bay hạ độ cao. Sân bay là 1 bãi đất như con đường đất dài khỏang 800m, 2 bên là cỏ tranh. Có khỏang gần chục chiếc xe địa hình khung trần, 2 cầu lớn hơn xe landcruiser chờ đón khách. Mấy cậu choai trong đoàn định chạy tới bãi cỏ tranh để đi tiểu thì nhanh như cắt chàng trai bản địa đón chúng tôi đã chụp vai các cậu bé Vietnam hiếu động và giải thích không được đến gần cỏ tranh vì sư tử thường phục rất gần, đã có người bị xé xác. Lũ trẻ trong đó có con trai tôi vừa sợ hãi vừa nghi ngờ nhưng phải đứng ngay giữa đường băng mà tè. 2 chiếc xe địa hình chờ đòan về “Khách sạn”. Rời xe, người dẫn đường đưa chúng tôi đi bộ về nơi tập kết. Cứ cách 1 đọan lại có 1 thổ dân đứng bên đường để bảo vệ đòan khỏi thú dữ. Mùi khai nồng nặc quanh đường, người thổ dân dẫn đường giải thích đó là mùi nước đái voi. Ông chủ khách sạn là một người châu âu tiếp chúng tôi. Ông giải thích Ông nội ông là người yêu thiên nhiên nên rời bỏ châu âu tráng lệ về với núi rừng lập nghiêp, sinh con và định cư và từ khi mới sinh trong dòng máu của ông đã có tố chất núi rừng châu phi nên ông gắn bó với nơi đây. Ông chủ “khách sạn” giới thiệu: “Khách sạn” nằm giữa rừng, giữa các đàn thú và các “Khách sạn”. nằm xa nhau hàng chục thậm chí hàng trăm km và đều nằm giữa rừng, ở đây là khu bảo tồn quốc gia, không có dân cư, không bệng viện, không chợ búa…Ở đây không có điện. Phòng của tôi là 1 lều bạt. Buổi ăn chiều thật thú vị, những chú chim rừng lao thẳng vào đĩa tranh cướp thức ăn với chúng tôi khi chúng tôi rời xa khỏang 2m. Những chú lợn rừng răng nanh dài ngoẵng tiến sát bàn ăn bình thản gặm cỏ. Khi tôi bước gần chú lợn rừng khỏang 1,5 m lập tức chú lợn đầu đàn grừ giận dữ đầy uy lực làm cả đòan chết khiếp. Buổi tối chúng tôi được các thổ dân dân biểu diễn các điểu nhảy kỳ lạ bên bếp lửa. Rời nơi ăn về chỗ ngủ chúng tôi bị đàn voi 9 con chặn đường và những người bảo vệ da đen phải đốt lửa khua voi đi chúng tôi mới về “phòng được”. Tôi xếp vợ con nằm trong và chọn nằm ngoài, chao ơi nhìn “bức tường” là tấm vải bạt, cánh cửa cũng là tấm vải bạt giữa những bầy thú hoang mà ngao ngán và rợn tóc gáy. Mệt mà không ngủ được. Nếu thú dữ vào lều thì phải làm gì? Ông chủ trại thông báo: Không được đi ra ngoài, muốn đi ra ngoài thì phải cầm đèn pin khua vài vòng sẽ có người xuất hiện. Thần hồn nát thần tính tôi cầm đèn pin thò qua cửa là chiếc phecmơtuya khua lia lịa. Lập tức đáp lại là ánh đèn pin cách đó không xa. Một người da đen dựa lưng vào gốc cây soi đèn xung quanh rồi tiến tới. Qua những câu hỏi, người bảo vệ hiểu tôi đang lo sợ. Sáng hôm sau chúng tôi được thông báo tối qua có 2 chú hà mã nặng khỏang 2 tấn nằm ngay trước lều của tôi và lều của anh Thành (con trai bác Lê Duẩn) anh em tôi nhìn nhau với cảm giác mạnh.

Buổi sáng khi mặt trời chưa lên chúng tôi đã ăn sáng xong, 2 chiếc xe đặc chủng đưa đòan xuyên qua màn sương mờ lao vào giữa những cánh rừng nguyên sinh và những đàn thú hoang dã của châu phi. Làn gió mát và cảm giác được thám hiểm làm chúng tôi lâng lâng. Lờ mờ những chú trâu rừng gặm cỏ sát bên đường, những con lợn rừng loanh quanh bên những chú voi khổng lồ. Người lái xe nhắc lại: Tuyệt đối không được bước chân xuống đất, nguy hiểm sẽ ngay lập tức xuất hiện từ chú trâu rừng hiền lành, từ chú voi đủng đỉnh hoặc từ chú khỉ ở nơi xa hay từ cụm cỏ bình yên. 1 bộ xương to nằm bên vệ đường, người lái xe giải thích đó là bộ xương Hà mã mới bị sư tử ăn thịt tối qua. Những tia nắng chợt bừng lên trên cánh đồng cỏ tranh bao la, gió vẫn lướt nhẹ cảm giác khoan khóai. Đàn Linh dương dầu bò gần 500 con đang di chuyển từ nơi xa tới vùng cỏ non vào vụ và tất yếu sẽ kéo theo hàng ngàn kẻ thù rình rập. Chúng tôi được xem tận mắt cảnh đàn linh dương đầu bò vươt sông bị các sấu nổi lên chộp cổ. Người lái xe có đôi mắt tinh tường đầy kinh nghiệm đưa chúng tôi đi tìm những chú báo châu phi. Thật là chóang ngợp về vẻ đẹp đầy uy nghi khi chúng tôi nhìn thấy chú báo đốm châu phi thon thả gọn gàng và mạnh mẽ, kẻ được phong là vua tốc độ với kỷ lục nước rút 200 km/h. Mải mê nhìn con báo bên phải, tôi ngồi ghếch lên thành xe, nào ngờ từ trong đám cỏ tranh 1 chú báo đốm tiến tới chiếc xe đang dừng lại. Chú báo lững thững đến sát xe và cách người tôi chưa tới 1 mét, tôi muốn tụt vào xe nhưng sợ sự chuyển động làm chú báo giật mình và vả cho 1 cái vào sườn thì mất ngay 1 miếng thịt nên đành ngồi im mà run. Mọi người trong xe hồi hộp chí dám liếc mà không dám quay đầu nhìn trực diện. Chú báo đi xa mà tim tôi vẫn nhảy lọan xạ và trong lòng biết minh dại dột.

Tiếp tục di chuyển chúng tôi gặp đàn Linh cẩu xấu xí lì lợm. Nhìn mặt bọn “chó rừng ” này cũng đủ hiểu bọn đuôi ngắn này không biết sợ ai kể cả sư tử. Xe chạy ngang bờ sông, chúng tôi thấy khỏang 40 con Hà mã nặng cả tấn lặn ngụp phì phò dưới sông. Người lài xe cho xe đè lên những vệt xe cũ đi tìm sư tử và giải thích nếu lệch đường rất có thể sẽ rơi vào đầm lầy và lúc đó thì phải ở lại chờ giải cứu. Với đôi mắt tinh tường đỏ ngầu như mắt sư tử người lái xe bản địa phát hiện 1 chú sư tử từ cách xa 4-5 km trong khi cả đòan lia ống nhòm khắp nơi cũng không thấy. Có lẽ những đôi mắt đỏ ngầu là những đôi mắt của sự nhìn xa, nhìn đêm tôi nghĩ vậy. Chúng tôi đến gần và phát hiện 2 chú sư tử cái nằm trên tảng đá cao lim dim nhìn xa xa. Người lái xe cho biết: Con cái nằm trên cao quan sát còn phía dưới là những kẻ rình mồi. Quả thật, người lái xe đã chỉ cho chúng tôi 1 chú sư tử đực nằm bẹp dưới 1 đám cỏ tranh cao khỏang 40cm đang hướng tới đàn linh dương nhỏ bé và ngây thơ cách đó khỏang 60 m. Chúng tôi quan sát sự di chuyển nhẹ nhàng của sư tử và chờ đợi 1 cuộc rươt đuổi ngọan mục nhưng chợt có 1 xe đặc chủng khác tiến về đàn Linh dương làm chúng chạy tán lọan nhưng lạ 1 cái là lẽ ra chúng phải chạy về hương con sư tử rình mồi thì chúng lại chạy hướng khác, dường như chúng linh cảm được mặc dù sư tử bao giờ cũng rình mồi ở cuối ngọn gió.

Chúng tôi tìm đến1 bờ sông, 2 cái xe địa hình chụm chữ V và mọi người ra sau xe, sát bờ sông để đi vệ sinh. Người lái xe lấy bờ sông và thành xe để làm hàng rào bảo vệ và quả thật tôi lia ống nhòm lên thì thấy lũ sư tử trên tảng đá lúc nãy không thèm quan tâm khi chúng tôi ngồi trên xe thì bây giờ chúng chăm chăm nhìn những con vật 2 chân vừa bước xuống xe cho dù khỏang cách xa hơn. Có lẽ khi ngồi trên xe thì bọn thú dữ nghĩ đó là con thú to còn khì rời xe thì hiển nhiên đó là con thú nhỏ là mồi ngon và người lái xe dứt khóat không cho chúng tôi rời khỏi xe rồi anh kể câu chuyện: Có 1 gia đình châu âu cùng bạn bè đến Masai mara thăm thú rừng và thiên nhiên. Ông bố say sưa quay cảnh con sư tử đang xe xác 1 con linh dương. Thấy xung quanh hòan tòan trống vắng, ông bố bước xuống xe để quay bỏ mặc lời yêu cầu của lái xe và rời xe khỏang 2-3 mét. Mọi người trên xe chỉ kịp thấy 1 vệt vàng lướt qua mặt nhanh như tia chớp, chiếc camera văng xa và ông bố nằm gọn trong móng vuốt của chú sư tử không biết từ đâu tới. Bằng 1 động tác gọn gàng, móng sư tử đã xé đôi thân xác con người trong tiếng kêu gào của vợ con. Tòan bộ hình ảnh được những người bạn xe sau ghi đầy đủ và được phát trên chương trình truyền hình thật đau thương và làm cho Masai mara vốn đã hùng vỹ càng thêm hùng vỹ.

Ngày hôm sau chúng tôi đến thăm 1 bộ lạc của Masai mara. Xe rời khu bảo tồn quốc gia chạy hơn 2 tiếng thì đến 1 làng của 1 bộ lạc. Đón chúng tôi là 1 thanh niên trẻ khỏang 25 tuổi. người thanh niên này nói tiếng anh rất tốt, anh đưa chúng tôi vào làng. Làng là 1 khu đất trống không cây cỏ, xung quanh được rào bới những cành cây có gai to và dài như những cây tăm để chống sư tử. Nhấc đống gai ra, 1 lối đi hiện lên và tất nhiên khi tất cả chúng tôi vào trong người thanh niên kéo các cành gai che lối đi lại. Làng được sắp xếp gần như hình tròn, chia thành 3 phần, Phía ngoài là hàng rào gai, tiếp đến là nhà, ở giữa là sân cho bò. Có khỏang gần 100 căn “nhà”. “Nhà” là 1 cái bát đất úp ngươc cao khỏang 2m, đường kính khỏang 3-4m. Cửa vào “nhà” rất nhỏ cao khỏang 1,5m phải cúi người mới vào được, bề ngang lọt 1 người lớn. Tất cả các “nhà” khi vào cửa đều có 1 con dê con (có lẽ dê là vật tế thần của bộ lạc). phía trong “nhà” có 2 cái dường đắp đất rộng khỏang 1,2m, 1 cho cha mẹ, 1 cho con. Bên mỗi cái dường có 1 cửa sổ to bằng cái bát ăn cơm để làm nhiệm vụ thông hơi. Một cái bếp nằm giữa 2 cái dường trên có 3 hòn đá làm đầu bếp, bên cạnh có vại nước bằng đất và tất nhiên cũng có 1 cái cửa sổ bằng cái bát để thông hơi là chính. Chúng tôi lom khom đầu đụng vào đám bồ hóng trên trần.
Bước khỏi “nhà”, dân làng có mặt đông đúc tại miếng đất giữa làng nơi tập trung đàn bò mỗi buổi chiều đón tiếp. Cả làng hát và nhảy múa những bài truyền thống để chào mừng chúng tôi. Đàn ông thì nhảy thật cao để thể hiện sức manh, Những người phụ nữ để hở phần trên bày những sản phẩm của làng bán cho khách du lịch còn bọn trẻ con đen thùi thũi cởi trần cởi truồng lăn trên đống phân bò cao khỏang nửa mét chơi đùa.

Ở đây nước rất hiếm hay vì tục lệ mà mỗi sáng trước khi đàn ông dắt bò ra đồng thì chủ nhà chọn 1 con bò chích vào cổ lấy máu cho cả nhà uống. Người hướng dẫn giới thiệu bộ lạc này có quyền lấy nhiều vợ, nhiều không hạn chế. Cứ có 2 con bò là được lấy 1 vợ và đã lấy vợ thì phải chăm lo cuộc sống cho các người vợ. Người chồng phải xây nhà cho các bà vợ cạnh nhau và mỗi ngày phải ở nhà 1 bà vợ. Người hướng dẫn nói bố của anh là tộc trưởng ông có 200 con bò và có 10 vợ.
– Tài sản của mình cũng vài ngàn con bò ấy nhỉ. Ông bạn tôi quay sang tôi.
– Muốn nhiều vợ thì sang đây mà sống. Lúc ấy thì lết chả nổi, gầy dơ xương có gặp sư tử nó cũng chả thèm nhai, lắm chuyện. Vợ ông bạn đứng phía sau dài giọng làm ông bạn lảng ngay.

Tạm biệt Masai mara lòng đầy xúc động và thầm hứa sẽ có ngày thăm lại mảnh đất rất thiên nhiên và rất huyền bí này.

LTM 04/2016

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here