Mảnh vỏ cam

0
272

MẢNH VỎ CAM

Tin nhắn đầu tiên trong ngày hôm nay: “ Cậu ơi, cậu Thắng mất rồi…”

Xót thương người anh, người bạn vỡ lòng của thời chăn trâu cắt cỏ, kỷ niệm ùa về…

Năm 1964, khi máy bay mỹ ném bom miền bắc dữ dội nhất, Ba tôi vẫn biền biệt chiến trường Miền nam, mẹ tôi bồng đứa em 3-4 tuổi theo Ngân hàng liên miên sơ tán, gửi tôi lại nhà Cậu long, người anh cả ở Xã Nghi trung, Huyện nghi lộc, cách Vinh 11 km về phía bắc, sát quốc lộ 1, sát ga Quán hành. Nơi đây thường hứng những trận bom vì đường QL 1 và Ga quán hành là mục tiêu của máy bay Mỹ và nhiều khi, trước khi trở về các Phi công Mỹ cũng trút nốt những trái bom thừa để nhẹ cánh về căn cứ.

Anh Thắng là con cậu Phê, cùng lứa tuổi cùng học 1 lớp và cùng những trò nghịch ngợm tuổi thơ. Ở tuổi lên 5, lên 6 chúng tôi đi học với chiếc mũ rơm nặng hơn cái đầu. Lớp học là 1 căn nhà tranh vách đất tồi tàn, có lẽ tồi hơn cả lớp học mà thầy Duysen dựng cho các em học sinh bằng đất và phân bò trên ngọn đồi ở Kirgistan …

Sau giờ học, tôi và anh Thắng thường men theo bờ ruộng bắt vài con ốc bỏ vào túi quần để về thả ao nhà. Thấy quần áo lúc nào cũng tanh, cả 2 anh em thường bị la mắng. Những buổi chiều chăn bò chúng tôi vui với mấy trò chơi bi, chơi đáo rồi cùng nằm úp mặt xuống ruộng mỗi khi có tiếng máy bay phản lực rít qua. Những lần truyền đơn từ máy bay rải xuống chúng tôi rất vui chạy theo nhặt và kết quả 2 anh em đều bị 2 cậu đập tơi tả…rồi cùng thích thú và hồi hộp ngóc đầu lên hố tránh bom nhìn pháo phòng không dừng trên đường hành quân giữa đường quan nhả đạn,kệ cho máy bay Mỹ bổ nhào ném bom…
Ngày tết, xin cậu 1 quả cam để lên chúc tết thầy, khi vào nhà thầy thì được thầy cho ăn cam ăn kẹo quên cả đưa quà tặng thầy, đến khi ra đến cổng để về mới chạy vào cầm quả cam đưa cho Thầy:
– Em cho thầy này…
Thầy Hán xoa đầu cười và nhét lại quả cam vào túi chúng tôi:
– Em cầm lấy, nhà thầy có cả 1 vườn cam, Thầy không phải xin ai.
Thế là 2 anh em nhảy chân sáo vui trên con đường làng…

Cả cái làng Lượng xuân ngày ấy nghèo lắm. Chị Quế con cậu Tràng xin tiền nộp học phí, mẹ không có đủ tiền cho 3-4 đứa con cùng nộp học phí 1 lần nên nói:
– Tau chỉ còn cái bình vôi, mi mang đi mà nộp…
Tưởng thật, sáng sớm chị mang cái bình vôi đi rồi tức tưởi khóc trên con đường trở về …
Ngày ấy làm gì có bánh, kẹo mà ăn, khoai lang khô có giá trị như bánh kẹo vì nhai có vị dai và vị ngọt. Chúng tôi chơi trốn tìm, trốn chỗ nào cũng bị tìm ra, thế là tôi chui vào chum đựng khoai khô để trốn. Vừa trốn vừa ăn vụng khoai khô mặc cho bọn trẻ con đi tìm và hô hào bên ngoài … Tìm không được bọn trẻ mách Mự Long và cuối cùng tôi vừa no khoai cũng vừa no đòn.
Một buổi đi học về thấy đường làng rợp vòng lá nguỵ trang. Tôi và anh Thắng reo hò và chạy lại ôm anh Lâm con cậu long, anh Hiến con Gì Sâm và anh Quang con cậu Tràng ( các anh con của anh ruột và chị ruột mẹ tôi). Không hiểu sao vui thế mà các Mự và Gì khóc rất nhiều… Nhiều năm sau khi Các Mự và gì Sâm vật vã đau đớn trước 3 giấy báo tử chúng tôi nhớ lại chuyện ngày xưa…
Thế mà bom đạn cũng không nhường sự đau khổ, đạn bom đã xuyên qua hầm giết chết đứa con còn lại của cậu Long và đứa cháu gái mà cậu rất yêu quý, hay đùa vui với cháu. Cậu khóc đến ngất và lấy mảng xương sọ của cháu bị bom Mỹ cắt đứt, gói vào túi nilon hàn kín bỏ trong túi áo để mỗi bữa ăn lại lôi gói nilon ra ngắm và chan đầy nước mắt vào bát cơm. Cậu tôi mất chỉ vài năm sau vì đau buồn. Mự tôi trở thành mẹ VN anh hùng đơn côi trên cõi đời 1 mình, cằn cỗi gầy đét, hi vọng cái giấy báo tử sai và có 1 ngày con trai của Mự sẽ trở về… Còm cõi nhiều năm và khả năng sinh học của con người có hạn, Mự đã về với cháu con mà chưa thực hiện được ước nguyện…
Hết lớp 1, Ba tôi từ chiến trường về và đưa mẹ con tôi ra Hà nội. Ôto xuất phát từ Vinh ra Hà nội ngày nghỉ, đêm đi bằng đèn gầm, nghe tiếng máy bay là lái xe tắt đèn. Anh Dần, anh ruột của anh Thắng cùng đi với gia đình tôi để ra HN nhâp học ĐH, cõng tôi trên vai lội qua những vũng bùn khi xe tăng bo, vừa đi vừa ngủ gật…và đến ngày thứ 7 thì xe cũng đến Hà nội trong 1 trời đầy bóng bay chống máy bay.

Trước 1975, nhiều lần nghỉ hè, nghỉ tết tôi được mẹ cho về quê ngoại. Tôi và anh Thắng lại cùng nghịch đủ thứ trò. Một hôm, mùng 2 tết, Tôi và anh Thắng cùng 3 đứa bạn men theo đường tàu hoả đi bộ ra thăm cầu Cấm, 1 cây cầu chiến lược và kiên cường mà máy bay Mỹ dội rất nhiều bom mà không huỷ diệt được vì bao quanh cây cầu là n hững ngọn đồi mà ở đó những khẩu pháo được bố trí để mai phục máy bay Mỹ. Đi bộ trên 10 km đường bằng đã gian nan, đi bộ trên những thanh tà vẹt dài mà lũ trẻ phải bước 2 bước mới tới làm mất sức rất nhanh. Chưa đến cầu Cấm bụng đã đói, chân tay rã rời vì những cú nhảy tà vẹt. Đến cầu Cấm thì đứa nào cũng muốn nằm …nhìn cây cầu con con, bao quanh bởi những đồi thông mà cồn cào… 10 phút sau chúng tôi bắt đầu lê bước trở về… sao mà xa thế, sao mà mệt mỏi thế… chúng tôi bắt đầu ngó tìm 2 bên đường ray xe lửa xem có cái gì rơi rớt có thể ăn được. Rồi những chiếc vỏ cam héo quắt được nhặt lên chia nhau ăn…Đến gần 4h chiều thì bọn trẻ cũng lê được về nhà và vội vã lục tìm những thứ có thể ăn… rồi vật ra ngủ tới sáng hôm sau…
2 năm sau tôi được báo: 2 đứa bạn cùng đi cầu cấm và nhặt vỏ cam ăn bị bom Mỹ lòi ruột chết khi còn dang dở cấp 2… Anh Thắng cùng nhóm may mà chui được xuống cống thoát nước…

Nghi lộc miền quê ngoại yêu dấu, chịu nhiều vết thương chiến tranh, nơi có tuổi thơ ngọt ngào và những người bạn thân thiết lại lấy mất 1 người bạn, người anh của thời chăn trâu cắt cỏ và nghịch ngợm của tôi. Tôi không về thắp hương cho anh được mà kỷ niệm cứ trào dâng.

Nếu được chọn 1 lễ vật đặt lên bàn thờ cho anh, tôi sẽ chọn mảnh vỏ cam…

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here