MỘT MIẾNG KHI ĐÓI

0
84

Chiều nay, tôi được các giáo viên của Học viện Phòng không-không quân gọi điện và mời về dự ngày thành lập Học viện vào cuối tháng 3. Thật là tiếc, ngày đó tôi phải đi nước ngoài. Đã nhiều đêm không ngủ và hôm nay, tôi lại thức cùng những kỷ niệm của 1 thời tuổi trẻ.

Năm 1983, sau khi tốt nghiệp Khoa kinh tế chính trị-Đại học tổng hợp Hà nội, tôi được điều về Trường sỹ quan Pháo phòng không.
3 tháng đầu, tôi được giao nhiệm vụ làm chính trị viên của Đại đội 46, tiểu đoàn 4 và được đưa vào Xóm chóng, khu vực núi rừng của vùng núi Ba vì khai thác củi cùng hơn 40 tân binh trẻ đầy nghịch ngợm. Mọi thứ đối với tôi đều rất bỡ ngỡ, từ 1 sinh viên trường ngoài, chưa Đảng, tôi bỗng trở thành một chính trị viên trọng trách. Thôi thì việc được giao nên đành phải cố, không để người ta chê: Sinh viên ĐHTHHN bất tài. 3 tháng ở Xóm chóng là một câu chuyện hết sức thú vị nhưng tôi không kể ở đây. Hôm nay tôi chỉ kể về kỷ niệm của những ngày làm thầy.

Đó là những ngày đói ăn, thiếu ngủ, đọc nhiều và tình đồng đội, tình con người ấm áp.
Khi ấy, tôi mới 23 tuổi, đeo thiếu uý trẻ măng. Tuổi ăn, tuổi ngủ lại đào tạo trường ngoài, tự do chưa quen rèn luyện. Những buổi sáng khi đang say mắt thì loa phát thanh vang lên báo thức. Tôi còn nhớ và ghét mãi cái giai điệu, giọng hát: Kìa ngọn gió đi qua, sáng nay mặt đất tình yêu vẫn tràn đầy….Trưa vừa chợp mắt đang ngon giấc lại: Kìa ngọn gió đi qua, sáng nay mặt đất tình yêu vẫn tràn đầy… nghe mà phát ghét, phát ớn mà ngày nào cái loa cũng lải nhải: Kìa ngọn gió đi qua, sáng nay mặt đất tình yêu vẫn tràn đầy… vào lúc mà tôi say giấc nhất. Tôi nhớ dáng điệu thằng Thất, giáo viên sử mỗi lần tỉnh dậy ra sân là lảo đảo, mắt lờ đờ. 1 lần nó lẩm bẩm:
– Ngọn gió đi qua cái mả cha mày. Đang ngủ ngon thì “ngọn gió đi qua”. Nó bĩu môi, dài giọng cụm từ “ngọn gió đi qua”rồi cầm gáo nước dội lên đầu cho tỉnh ngủ làm tôi cười ngất ngây.
Buổi trưa thì khoảng 10h là đói, cũng liêu xiêu từ giảng đường về. Tôi nhớ trong khoa có 1 anh giáo viên có 1 cái răng bịt vàng. Một hôm cùng từ giảng đường dạy về. Đang lúc đói thì 1 anh đi sau nói: Anh V ngậm cả cái nhà trong miệng ( ý nói cái răng vàng trị giá cả cái nhà). Nào ngờ anh V nghe thấy:
– Bây giờ cho tớ ngậm củ khoai thì sướng hơn.
Chúng tôi cười vui.
Chiều thì soạn giáo án, đọc sách. 5h chiều là đá bóng, tăng gia. Tối trà nước, đọc sách. Một tuần, tôi và anh Nhuấn có thể đọc 300-500 trang sách. Chả có việc gì khác mà làm.
Tôi nhớ những buổi chiều đá bóng với anh Long ( Bố Tùng dương). Anh Long là giáo viên khoa tiếng Nga. Ở anh cái gì cũng xuất sắc: đẹp trai, đá bóng hay, hát hay và chưa vợ nhưng chả có cô nào dám đến gần thầy…

Bộ môn Kinh tế chính trị của tôi có 4 người. Chú Đức và Chú Long tuổi trên 50, 2 chú đều hói nên trông già hơn tuổi. Anh Đĩnh ở tuổi 40 vẫn còn phong độ… Cuối tuần, các bộ môn thường “ ăn tươi”, tức là anh em tự góp tiền ra mua chút cá, thịt hay đi ra đồng bắt cua, hái rau lượm củi về nấu, xào cho có chất ( Bộ môn nào cũng ra đồng bắt cua, bắt mãi, sau này mỗi lần ra đồng chỉ bắt được khoảng chục con). Tôi ít tuổi nhất, không biết nấu ăn nên lúc đầu các chú giao cho quét nhà, rửa bát. Có mấy lần, các chú giao cho tôi đi lấy cơm và sau đó các chú nhận xét:
– Năng lực đi lấy cơm của Minh tốt.
Chả là: Thời gian đó, trường nhận tân binh nữ. Lúc đầu huấn luyện, các cô ở phía nhà Hiệu bộ và thường đi qua khu giáo viên chúng tôi. Nhìn thấy chúng tôi, các cô rân ran chào chú. Hoàn thành huấn luyện, các cô được điều về các tiểu đoàn làm phục vụ và nuôi quân, trong đó có bếp ăn Hiệu bộ của chúng tôi. Một thời gian sau, các cô không gọi tôi là chú mà chuyển sang gọi bằng anh. Có một cô Binh nhất ( cấp bậc thứ 2 của người lính, một bắt đầu, mới mẻ, trẻ trung) gặp tôi ngập ngừng hỏi mượn xe. Hôm đó là thứ 7, tôi định đạp xe sang trường tên lửa thăm thằng bạn 1 chút nhưng thấy ánh mắt “Binh nhất” khẩn thiết, tôi gật đầu và giao xe.
Buổi chiều về tôi thấy chiếc xe sạch bóng, điều mà tôi chưa hề làm từ khi em gái tôi cho tôi chiếc xe này ( Lúc về trường, tôi không có xe, sau đó em gái tôi cho tôi chiếc xe đạp mà em vẫn đi học)… Sau đó, “Binh nhất” còn mượn xe của tôi nhiều lần và sau mỗi lần mượn, chiếc xe sạch hơn, chắc chắn hơn. Có lần, 1 cô bạn của “Binh nhất” nói:
– Hôm nay “Binh nhất” mượn xe anh, xe đứt nan hoa, nổ lốp, nó phải mượn tiền sửa xe cho anh. Nó mượn xe anh là để sửa xe cho anh đấy. Anh làm gì mà nó quý anh thế.
– Anh có làm gì đâu. Ấy chết vậy thì để anh trả tiền lại cho cố ấy chứ, cô ấy có tiền đâu.
Tôi gặp và đòi trả tiền nhưng “Binh nhất” nhất định không nhận…Những lần sau thì cô ấy vẫn mượn xe và tất nhiên xe của tôi cứ tốt lên và không chỉ cô ấy mượn xe mà nhiều học viên cũng lên mượn xe tôi về Hà nội ( chỉ khác là học viên nam mượn xe xong trả xe thì xe bẩn hơn). Sau này tôi gặp lại 1 học trò, hàm Thứ trưởng ở Văn phòng chính phủ, cậu học trò cũng nhắc chuyện lên mượn xe của thầy về thăm mẹ ốm…
Và những lần đi lấy cơm ( ngày đó trường chỉ cho cán bộ lấy cơm vào chiều thứ 6) “Binh nhất” đều nặng tay với tôi hơn những người khác. Lúc đầu tôi cũng ngại và nói với các chú:
– Thôi, cháu quét nhà rửa bát thôi, đi lấy cơm, họ cho nhiều hơn cháu ngại lắm.
– Suất của mọi người vẫn đủ tiêu chuẩn, suất của mình nhiều hơn 1 chút là bớt 1 phần của lợn mà thôi. 1 giáo viên khác đùa.
Câu nói làm chúng tôi cười và tôi yên tâm với nhiệm vụ lấy cơm thay các chú mỗi chiều thứ 6.

Tuổi trẻ và thiếu kinh nghiệm nhưng tôi được các anh, các chú quan tâm. 1 hôm, đi giảng về đang lúc đói bụng thì chú Chương trưởng khoa nhìn thấy tôi cười gọi vào phòng đưa cho tôi cốc nước chanh loãng rồi đưa cái điếu cày. Tôi ngỡ ngàng, rít 1 hơi. Chú Chương hỏi 1 số chuyện và nói:
– Tớ nói với mọi người: Cậu là người của Chủ nghĩa cộng sản
– Ối, sao vậy chú. Tôi tưởng chú khen tôi về công tác giảng dạy nên có phần thú vị
– Vì người của CNCS là làm theo năng lực, hưởng theo nhu cầu. Cậu thì cứ đầu tháng nhận lương là rủng rỉnh đãi bạn bè thuốc trà, giữa tháng là hết tiền lại xin thuốc lào và trà nhạt ( pha lần 5, lần 6)
– Hi… Tôi cười ngượng ngịu.

Đêm đã rất sâu, gần 4h sáng, tôi nằm và nhớ lại những kỷ niệm:
Tôi nhớ, ngày đó, vào buổi sáng, mọi người gấp chăn màn rất gọn gàng, thắng nếp. Tôi cũng bắt chước mà vuốt mãi nó chả thẳng, sau thì kệ, cong 1 chút cũng được. Thế nhưng 1 chút cong ấy làm trung tá trưởng khoa Nguyễn Văn Chương, mỗi lần xuống kiểm tra cứ lắc đầu rồi tự tay mở ra gấp lại cho tôi. Ông không thích sự bề bộn. Có lần, bộ môn KTCT dặm lại mái nhà cho đỡ dột. ( Ngày đó gian nhà tôi ở là nhà vách đất, mùa đông gió lạnh lùa qua các kẽ hở, chúng tôi xé giáo án cũ vo viên nhét vào các kẽ hở. Mùa mưa thì nước dột, ướt hết cả chăn mà. Tôi phải lấy nilon trải lên trên màn hứng nước mưa, ngủ dậy thì nghiêng nilon đổ nước mưa vào xô…). Tôi leo lên mái và lúng túng dặm. Từ xa đi về thấy tôi trên mái nhà, chú Chương cười và nói:
– Tớ vừa đi họp Ban giám hiệu về, cậu lấy vợ Sơn tây đi, tớ sẽ xin cho cậu 1 suất nhà.
Tôi biết ông quý tôi thì nói vậy chứ được suất nhà của nhà trường thì phải chấm điểm, đâu dễ…

Tôi nhớ những ngày đi giảng ở các tiểu đoàn 4, thấy tôi xuống, hôm thì anh cương, hôm thì anh Khoa thay nhau rang cho tôi bát cơm rang. Giờ giải lao, các anh cho công vụ mời tôi về phòng đóng cửa lại và đưa bát cơm rang nóng hổi vừa ăn vừa xuýt xoa. Xuống tiểu đoàn 7 thì 2 cậu lính nghĩa vụ đồng hương Huế kéo vào phòng đưa cho cốc nước đường. Sau này khi các em hết hạn về Huế, tôi đã nhận Thái vào công ty Taxi làm việc và cho đến giờ, 40 năm trôi qua, dù em gái tôi đã bán và giải thể công ty Taxi ( sau khi mẹ tôi mất tôi cho 2 em gái 2 hãng Taxi) thì vợ chồng Thái vẫn lên thắp hương ngày giỗ mẹ tôi.
Tôi nhớ những đêm thắp đèn soạn giáo án không điện, đèn dầu cháy 1 lúc cũng hết dầu… thế rồi hôm sau những người lính tân binh ngày xưa của tôi xách đến 1 chai dầu, sao mà quý
Tôi nhớ một đêm mưa, anh Nhuấn, giáo viên cùng bộ môn hỏi tôi nghiêm túc:
– Chú có biết thời kỳ nào của phụ nữ thì an toàn không?
– Không, em không biết, tôi ngượng ngùng trả lời.
Thế rồi anh thàm thì hướng dẫn, tôi tủm tỉm lấy bút ghi vào tờ báo dán che vách đất của tường nhà… “từ ngày… đến ngày… gặp phụ nữ thì an toàn”
– Này đừng có có xui dại bọn thanh niên. Chú Long trưởng bộ môn nghiêm khắc.
– Đâu có, khoa học thôi mà anh, anh Nhuấn cười phân bua.
– Không cần thứ khoa học đó, chú Long cau trán…
Tôi nhớ chú Chất trưởng ban quân y thấy tôi sau trận ốm xanh xao, chú cho tôi 1 suất đi an dưỡng nhân dịp phép mặc dù tôi chưa đủ tiêu chuẩn.
Tôi nhớ dưới gầm giường tôi có 1 tổ mối, lúc đầu tôi cứ xúc đất đổ đi. Xúc rồi nó lại đầy, sau đó chán chả xúc nữa, kệ mày xem mày xông đến đâu hả mối. Và có lẽ nhờ sự nhân ái với đống mối ấy mà tôi được thần mối phù hộ đi Liên xô học. Các cụ bảo số mối xông mà.

Tôi nhớ ngày sắp rời mái trường để đi liên xô học, tôi không có tiền và cũng không có gì chia tay các anh, các chú và học trò. Anh Phúng đi dạy tâm sự với các tiểu đoàn:
– Khổ cái thằng Minh, mai chia tay đi liên xô học mà chẳng có tiền làm 1 bữa ăn có thịt cá. Giáo viên khổ thật.
Và thật bất ngờ, 3h chiều công vụ tiểu đoàn 2 đạp xe lên:
– Thủ trưởng Ngạnh gửi thầy 2 kg cá rô phi để thầy liên hoan chiều nay
Sau đó, công vụ tiểu đoàn 4 báo:
– Chỉ huy tiểu đoàn 4 gửi thầy 1 lạng mỡ lợn và mấy bó rau xanh,
Một lúc sau thì công vụ tiểu đoàn 1 gửi 2 lạng thịt lợn…
Lúc đầu tưởng chia tay với bộ môn và mọi người là cơm tập thể, nay có thịt, có cá… cầm những món quà trên tay mà xúc động. Buổi chiều, người thì kiếm củi, người thì nấu canh, kho cá, xào thịt, người thì bỏ tiền túi mua cút rượu để tiễn tôi.
Và cũng như mọi lần, tôi được cử xuống bếp lấy cơm. Tôi mang cái chậu nhôm xuống xếp hàng, cầm phiếu và chờ nhận cơm. Thấy tôi, “Binh nhất” nhoẻn cười chìa tay nhận phiếu và xúc cơm, thức ăn vào chậu nhôm và cũng như mọi ngày phần cơm của chúng tôi nhỉnh hơn 1 chút.
– Chào em, em ở lại mạnh khoẻ, mai anh đi rồi. Ngập ngừng 1 lúc tôi mới nói được.
– Mai anh đi đâu? “Binh nhất” dừng tay và nhìn tôi.
– Anh đi học xa.
– Anh học ở đâu? lâu không? Và bao giờ anh về lại trường?
– Lâu đấy, gần 5 năm.
“Binh nhất”nhìn tôi im lặng rồi cúi xuống. Tôi rời khu vực chia cơm, nhường chỗ cho người tiếp theo…
Ăn cơm và trà nước xong, tôi xuống các tiểu đoàn chào tạm biệt các anh, các bạn và những học viên thân thiết. 9h tối, tôi trở về. Anh Phúng nói, “Binh nhất”và mấy đứa nuôi quân lên đây chào em 2-3 lần mà em chưa về. Anh nói Minh nó đi chào anh em bạn bè, có khi nó qua chỗ em đấy, thế là nó chạy vội về, chờ hồi lâu không thấy nó lại lên đây. Giờ thì khuya rồi.
– Chết em có biết các cô ấy ở chỗ nào đâu. Thôi mai em đi sớm, anh cho em gủi lời chào các bạn và “Binh nhất”nhé.
5h sáng hôm sau, tôi đạp xe đi sớm vì có hẹn anh San bên tên lửa cùng đi…

Nhiều năm sau tôi mới trở lại trường. Các anh các chú cùng dạy với tôi đều đã nghỉ hưu. Trường Pháo sát nhập với Trường tên lửa thành Học viện Phòng không- không quân. Khu nhà bằng xưa kia thầy trò đông vui, giờ hoang tàn nhưng phía bên kia, bên trường tên lửa cũ là 1 Học viện khang trang vào bậc nhất của hệ thống giáo dục Việt nam. Nhiều học viên mà tôi trực tiếp giảng dạy đã trở thành lãnh đạo khoa, lãnh đạo nhà trường, có học viên đeo quân hàm trung tướng, có học viên mang hàm thứ trưởng… Chúng tôi hỏi thăm nhau và nhớ về cái thời gian khổ mà nghĩa tình.
Một lần lên trường, 1 giáo viên nói với tôi:
– Chú đi mấy tháng thì lớp lính nghĩa vụ ấy ra quân. “Binh nhất”có lên bộ môn chào và hỏi địa chỉ của chú mà không ai biết vì chú không viết thư về. Thấy cô ấy lặng lẽ về mà thương.

Những làn gió cuối đông se lạnh lòng người. Tôi bâng khuâng nhớ về cái thời “ Một miếng khi đói”. Tôi đã tri ân mái trường được một số việc nhưng những con người cụ thể như anh Khoa, anh Cương, anh Ngạnh… và “Binh nhất”thì chưa 1 lần gặp lại để nắm chặt bàn tay biết ơn. Cầu mong các anh các chú và “Binh nhất” mạnh khoẻ, may mắn. Xin cảm ơn những tháng ngày ở trường Pháo phòng không, những năm tháng quân ngũ không thể nào quên.

Màn đêm đang dần sáng, bên ngoài bắt đầu có tiếng chim ríu rít.

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here