Đã có rất nhiều chương trình ca nhạc về xứ sở Bạch Dương, nhưng “Nước Nga trong trái tim tôi” trình diễn tại Nhà hát lớn Hà Nội đêm 11/5/2019 là một trong số những chương trình để lại ấn tượng sâu đậm trong lòng người yêu thích văn hóa Nga, đặc biệt những người đã học tập, sinh sống ở Liên Xô/Liên bang Nga.
Được Hội Hữu nghị Việt – Nga, Hội Hữu nghị Nga – Việt và Hội Nhạc sĩ Việt Nam phối hợp tổ chức chào mừng những ngày lễ Chiến thắng của hai nước Việt Nam, LB Nga và hưởng ứng “Năm chéo” hữu nghị Việt – Nga, chương trình ca nhạc “Nước Nga trong trái tim tôi” gồm 13 bài ca Nga nổi tiếng do Lê Tự Minh dịch lời Nga ra tiếng Việt.
Là cựu lưu học sinh tại Nga, hiện là một nhà doanh nghiệp thành đạt, Lê Tự Minh tài trợ toàn bộ chương trình này với mong muốn tri ân con người và xứ sở Bạch Dương đã nuôi dưỡng, truyền thụ kiến thức văn hóa, khoa học cho anh và bạn bè cũng như đã ủng hộ, giúp đỡ Việt Nam chí tình trong công cuộc kháng chiến và dựng xây đất nước.
Tác giả kịch bản, nhà báo Trần Đăng Tuấn; tổng đạo diễn, NSƯT Lê Thụy; dịch giả Lê Tự Minh… đã xây dựng chương với ý tưởng một người con Việt Nam rời quê hương lên đường sang nước Nga xa xôi học tập. Mẹ Việt Nam tiễn con đi trong nỗi nhớ khôn nguôi và tâm trạng lo lắng. Nhưng con được mẹ Nga đón nhận, chở che, chăm sóc như con ruột. Người con Việt đã được hòa mình vào thiên nhiên Nga kỳ vĩ, đắm mình trong thơ ca Nga, sống trong tình yêu thương của Mẹ Nga. Rồi người con ấy sau những năm tháng học tập ở nước Nga lại được người mẹ thứ hai đưa tiễn, trao về cho Mẹ Việt Nam. Tư tưởng xuyên suốt chương trình “Nước Nga trong trái tim tôi” là lòng nhớ ơn Mẹ Nga, là sự gắn bó, trao gửi, sẻ chia Việt – Nga, cả trong quá khứ và hiện tại.
Mở đầu chương trình là một khúc nhạc Huế, quê hương của dịch giả Lê Tự Minh. Quê hương chắp cánh cho người con lên đường. Và khi bài hát “Chào mẹ” vang lên đầy xúc động qua giọng ca truyền cảm của Vũ Thắng Lợi và nữ nghệ sĩ công huân LB Nga Tachiana Golovkina là lúc Mẹ Nga giang rộng vòng tay đón người con Việt. “Chào mẹ của con, con lại nằm mơ câu hát ru của mẹ. Mẹ hiền của con, sáng trong lòng con nhân đức của mẹ… Trên Trái đất ta sống có bao trái tim nhân hậu. Chẳng thể so sánh sao bằng tấm lòng mẹ. Lòng mẹ dịu hiền bao dung hơn sông núi…”. Đó là những câu hát được Lê Tự Minh dịch rất sát tiếng Nga, cho thấy một sự đồng điệu, hòa quyện tâm hồn người Nga và người Việt. Trong chương trình còn có một ca khúc nữa về mẹ – đó là bài “Hãy nói với con đi mẹ” (ca sĩ Phương Mai biểu diễn). Ở bài hát này Lê Tự Minh cũng đã dịch rất đạt: “Năm xưa mẹ hát ru con khúc ca êm đềm. Đung đưa giọng hát yêu thương bên nôi. Ôi, sao ngày tháng trôi nhanh như cánh chim chiều, cuốn trôi ngày tháng thơ ngây hôm nào. Mẹ ơi, hãy nói về ngày ấu thơ, kể giấc mơ xưa bên mẹ dấu yêu. Rực rỡ ánh sao những đêm Hè bên mẹ. Ước mong tuổi thơ sẽ về với con…”.
Có những bài hát Nga đã phổ biến ở Việt Nam từ lâu được các nhạc sĩ, nhà thơ Việt Nam dịch lời Nga ra tiếng Việt. Nhưng nhiều bài trong số đó nay được Lê Tự Minh dịch lại, sát nghĩa bản gốc hơn và cũng rất chuẩn về nhạc điệu. “Nụ cười” là một ví dụ. Bài hát vô cùng yêu thích này của thiếu nhi Liên Xô và Việt Nam đã được nhạc sĩ Phạm Tuyên dịch ra tiếng Việt từ nhiều năm trước. Lần này, dàn hợp xướng thiếu nhi Sol Art trình diễn bài ca quen thuộc này với lời dịch mới của Lê Tự Minh khiến khán giá rất thích thú. “Hãy bừng sáng lên nào những nụ cười. Nụ cười xinh bay lên thắp sáng bên ta ngàn ước mơ… Nụ cười xua những đám mây đen, sáng bừng lên bao nhiêu thân thương… Tiếng cười mang bao nhiêu yêu thương, tới miền quê nơi xa, nơi xa. Ấy tình bạn của ta lớn lên từ nụ cười rất hiền”.
Chương trình “Nước Nga trong trái tim tôi” có sự tham gia của những giọng ca rất được mến mộ như Tùng Dương, Trọng Tấn, Lan Anh… Đặc biệt, với ca khúc tình yêu rất phổ biến những năm gần đây ở Việt Nam “Hỏi cây tần bì” và bài hát ngợi ca cuộc chiến tranh giữ nước vĩ đại của nhân dân Liên Xô “Đàn sếu”, Tùng Dương lại một lần nữa “hút hồn” người nghe. Bài “Đàn sếu” được anh song ca cùng với nữ nghệ sĩ Tachiana Golovkina khép lại chương trình cũng là một nét tô đậm thêm điểm nhấn của chương trình là lòng biết ơn, là sự tương đồng giữa hai dân tộc Việt Nam và Nga.
Lê Tự Minh sinh năm 1959, quê quán Thừa Thiên – Huế. Từ 1977-1983: là sinh viên khoa Kinh tế chính trị trường Đại học tổng hợp Hà nội (nay là Đại học Quốc gia Hà Nội). Từ 1983-1987: là giáo viên Học viện Phòng không – Không quân, Quân chủng Phòng không – Không quân, Bộ Quốc phòng. Từ 1987-1991: được Bộ Quốc phòng cử sang học tại Học viện Quân sự – chính trị mang tên Lê-nin, Moskva, LB Liên bang Nga. Năm 1995 bảo vệ luận án Tiến sĩ tại Viện Hàn lâm Khoa học LB Nga.
Hiện nay Lê Tự Minh là Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc tập đoàn IMG. Tại trang thông tin điện tử của IMG có những dòng giới thiệu như sau: “Với bề dày hơn 40 năm kinh nghiệm ở nhiều lĩnh vực kinh doanh, kinh tế chính trị và đặc biệt là đầu tư bất động sản, ông Lê Tự Minh đã và đang kiến tạo những dự án, đô thị, công trình văn minh hiện đại. Ông cam kết sẽ nỗ lực không ngừng để tạo dựng giá trị bền vững cho xã hội và các thế hệ tương lai”.
Ghi nhận lòng nhiệt tình, đóng góp to lớn của Lê Tự Minh vào việc gìn giữ, tăng cường giao lưu văn hóa, củng cố tình hữu nghị và hợp tác giữa nhân dân hai nước Việt Nam – LB Nga, tại đêm biểu diễn ở Nhà hát lớn Hà Nội, Giáo sư Vladimir Buyanov, Chủ tịch Hội Hữu nghị Nga – Việt, đã trao tặng Lê Tự Minh Huy chương “Hữu nghị” nhân dịp kỷ niệm lần thứ 60 ngày thành lập Hội Hữu nghị Xô – Việt/Hội Hữu nghị Nga – Việt.
ĐĂNG PHÁT (Ảnh trong bài: HOA NGUYỄN, ĐĂNG PHÁT)