GẶP GỠ LỊCH SỬ CỦA CÁC PHI CÔNG VIỆT NAM – HOA KỲ

0
210

GẶP GỠ LỊCH SỬ CỦA CÁC PHI CÔNG VIỆT NAM – HOA KỲ TẠI TOÀ NHÀ ARTEMIS – SỐ 3 LÊ TRỌNG TẤN HÀ NỘI

I. CUỘC CHIẾN TRANH VIỆT NAM, NHỮNG MẤT MÁT VÀ DAY DỨT
Xã hội loài người đã diễn ra những cuộc gặp lịch sử.
Những cuộc gặp ngày nay giữa các phi công Mỹ và phi công Việt nam, những người một thời là kẻ thù, đã săn lùng nhau qua từng đám mây, trên những vùng trời Bắc Việt nam, đã nã pháo, phóng tên lửa vào nhau, hòng tiêu diệt nhau là những cuộc gặp lịch sử với tinh tần thượng võ nhân ái.
Cuộc chiến tranh Mỹ-Việtnam là 1 trong 11 cuộc chiến tranh có quy mô lớn nhất của lich sử hiện đại của loài người với số lượng bom đạn tương đương sức nổ của 250 quả bom nguyên tử và gần 50.000 tấn chất độc hoá học. Cuộc chiến đã tiêu hao 1 lượng tài sản khổng lồ của nước Mỹ và đồng minh, đồng thời tàn phá ghê gớm, huỷ diệt và đẩy lùi Việt nam về quá khứ hơn nửa thế kỷ, giết chết gần 5 tr người Việt nam, hơn 1 triệu người của các nước láng giềng, hơn 58.000 người mỹ, nhiều người của các nước đồng minh Úc, Hàn quốc… số lượng tàn phế do chiến tranh của Việt nam gần 1 triệu, của Mỹ hơn 350 ngàn người, để lại rất nhiều hậu quả chiến tranh nặng nề. Những cách rừng, những dòng sông, cánh đồng bị chất độc da cam tàn phá, nhiều thế hệ tàn tật, quái thai sau chiến tranh…
Trong cuộc chiến tranh của Mỹ-Việt nam, những cuộc không chiến trên vùng trời Việt nam là cuộc chiến tầm cao với những kỹ nghệ chiến tranh hiện đại nhất, vũ khí đắt giá nhất trong các loại vũ khí của loài người lúc đó. Các phi công đại diện cho cho 2 thế lực quân sự mạnh nhất thế giới giao chiến với những mục đích khác nhau. Một bên là hạn chế tầm ảnh hưởng của chủ nghĩa cộng sản, 1 bên là bảo vệ nền độc lập dân tộc. Những cuộc không chiến của 2 bên diễn ra trong 8 năm, vào giai đoạn cuối của cuộc chiến tranh và chưa có cuộc chiến tranh nào mà không quân Mỹ bị không quân đối phương bắn rơi nhiều như trong chiến tranh Việt nam ( 320 chiếc).
Cuộc chiến tranh Mỹ-Việt nam đã để lại những day dứt trong lòng người dân Mỹ. Rất nhiều người lính Mỹ muốn được quay trở lại Việt nam thăm chiến trường xưa. Tuổi trẻ và mệnh lệnh có lúc đã đưa những người lính vào tội ác, nhưng sự chín chắn của tuổi đời và lương tâm đã day dứt để mỗi con người đều thấy trách nhiệm của mình trong việc bù đắp sau chiến tranh. Tuy nhiên vượt qua qua rào cản mặc cảm là một khó khăn.
II. “NHỮNG TRẬN KHÔNG CHIẾN TRÊN BẦU TRỜI VIỆT NAM NHÌN TỪ HAI PHÍA”, cuốn sách đã xé rào cản, mở ra thời kỳ hoà giải và phát triển.
Ngày 26/12/2011 cựu đại uý phi công hải quân Mỹ Richard Berry người cùng học bay và là bạn thân của Trung uý nhất phi công Sam Gary Cordova đã gặp Anh hùng trung tướng Nguyễn Đức Soát, người đã bắn rơi Cordova, theo uỷ quyền của gia đình phi công tử trận Gary Cordova trong trận 26/8/1972. Tiếp sau đó rất nhiều phi công Mỹ đã liên lạc và trở thành bạn của trung tướng Nguyễn Đức Soát, mở ra một chân trời mới.
Cùng thời gian 2011, cựu phi công Nguyễn Sỹ Hưng, nguyên CT HĐTV Vietnam Arlines đã nung nấu ý định viết cuốn sách: NHỮNG TRẬN KHÔNG CHIẾN TRÊN BẦU TRỜI VIỆT NAM NHÌN TỪ HAI PHÍA. Được sự cho phép của BQP, QCPKKQ, cựu phi công Nguyễn Sỹ Hưng đã thận trọng lật từng trang tài liệu chưa công bố, lặn lội đến gặp những phi công đã tham gia chiến tranh, bắn rơi máy bay Mỹ, thức thâu đêm đọc những cuốn tài liệu bằng tiếng anh của các phi công Mỹ, so sánh, chắt lọc và khách quan đánh giá từng trận đánh theo cách nhìn của 2 bên. Sau hơn 1 năm anh mời tôi đến nhà thông báo cuốn sách đã hoàn thành và trân trọng tặng tôi 2 cuốn. Bắt tay anh rất chặt, tôi nhớ những buổi 2 anh em ngồi ăn cơm nghe anh kể về ý định viết cuốn sách lịch sử, về việc được phép đọc tài liệu chưa công bố của BQP và những lần đi xe, bơi xuồng về gặp các anh hùng phi công Viet nam để lấy và so sánh với tư liệu của Mỹ đảm bảo tính khách quan.
Cuốn sách là bom tấn, nổ tung rào cản mặc cảm, những e ngại cuối cùng của những phi công Mỹ và lính Mỹ, kéo họ lại gần với mảnh đất, vùng trời nơi có những trận đánh sống còn của 2 phía, kéo họ gần lại với trách nhiệm, lương tri…
Ngày 13/4/2016, 11 cựu phí công Hoa Kỳ đã sang Hà nội gặp gỡ kẻ thù, những phi công Cộng Sản. Họ đã đến những nơi xảy ra những trận đánh của mình, gặp lại những phi công đã chiến đấu với họ, bắn rơi họ hoặc bị họ bắn hạ.
Sau 45 năm day dứt, cựu phi công trung tá hải quân Curt Dose đã tìm về nhà của liệt sỹ Nguyễn Văn Ngãi, người phi công Việt nam bị ông bắn rơi và hi sinh trong trận đánh ngày 10/5/1972. Thắp que hương cho kẻ thù và ông vô cùng bất ngờ xúc động trước sự bao dung dung rất Vietnam của 1 gia đình bị mất con do chính người thắp hương giết chết. Sự day dứt suốt 45 năm trong lòng cựu phi công trung tá hải quân Curt Dose vơi nhẹ khi ông nắm bàn tay người chị ruột của liệt sỹ Nguyễn Văn Ngãi cùng bước trên vùng đất mà ông được lệnh huỷ diệt.
Cựu phi công Charlie Plumb đã đã lặn lội theo những con rạch của sông nước miền tây về thăm anh hùng Nguyễn Văn Bảy, người đã giao chiến với ông trong trận đánh ngày 24/04/1967 và sau đó chính Plumb bị trúng tên lửa và rơi trên nóc nhà số 8 B Lê Trực vào ngày 19/5/1967 ( ngày sinh của chủ tịch Hồ Chí Minh). Charlie Plumb được đón tiếp như một vị khách quý. Được uống ly rượu gia đình, được anh hùng Nguyễn Văn Bảy quàng chiếc khăn rằn của miền nam trung dũng lên cổ. Cựu phi công Charlie Plumb rất xúc động. Họ đã trở thành bạn, họ đã góp phần kéo 2 dân tộc gần lại phía tình bạn xa đi phía thù hận.
Tiếp đến, các cựu phi công Mỹ tổ chức cuộc gặp “From Dogfights to Dente” (Từ Không chiến đến Hòa giải) tối 21/9/2017 tại bảo tàng tàu sân bay USS Midway ( con tàu đã từng tham chiến trong chiến tranh Việt nam), ở San Diego, California. Một trong những cuộc gặp được Trung tướng Nguyễn Đức Soát cùng đại tá phi công Thuỷ quân lục chiến Charlie Tutt thảo luận 7 năm về trước.
Trung tướng Nguyễn Đức Soát đã mở đầu bằng bài phát biểu:
“Cách đây hơn 40 năm, chúng ta, các phi công trẻ đều thực hiện nhiệm vụ mà đất nước giao cho mình. Ngày nay khi quan hệ hai nước tốt lên… chúng ta nhìn lại trận đánh ngày xưa để hiểu thêm về nhau, chia sẻ nỗi đau mất mát mà cuộc chiến nào cũng để lại cho mỗi phía.”
“Mục đích của buổi gặp gỡ là hiểu thêm về các trận không chiến. Nhưng mục đích cao cả hơn là góp phần xây dựng mối quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ đúng như quyết tâm của hai nước, gác lại quá khứ, hướng đến tương lai.”
Trả lời phóng viên tờ San Diego Union-Tribune, Đại úy Hải quân Jack “Fingers” Ensch nói:
“Nhà tù nhỏ nhất thế giới là giữa hai tai anh. Nếu anh cứ tiếp tục căm thù, thì họ cũng vẫn cách xa nửa thế giới. Họ không biết anh đang nghĩ về họ, hận thù họ hay những thứ như thế. Họ tiếp tục với cuộc sống của mình. Nếu anh vẫn hận thù, thì anh vẫn bị giam cầm.”
Những tham luận, những phân tích chiến thuật không quân của hai bên được đưa ra cởi mở, nghiêm túc. Chính những phi công Mỹ đã đặt tên cho chủ đề cuộc gặp: “From Dogfights to Dente” với mong muốn các phi công hai phía sẽ góp phần thúc đẩy sự hoà bình, hợp tác và phát triển của 2 dân tộc.
Như một nhu cầu tất yếu trong sự vận động của cuộc sống, các phi công Mỹ và Việt nam tiếp tục tổ chức cuộc găp mặt lần thứ 3 tại Hà nội, một cuộc gặp đáp lễ cho cuộc gặp “From Dogfights to Dente” với tinh thần hoà giải góp phần kéo mối quan hệ của hai nước gần lại với nhau hơn để cùng xây dựng một quan hệ hoà bình, thân ái, cùng phát triển…
III. CUỘC GẶP LỊCH SỬ NGÀY 3/10/2018 TẠI TOÀ NHÀ ARTEMIS SỐ 3 LÊ TRONG TẤN HÀ NỘI.
Sau nhiều phân tích, Trung tướng anh hùng Nguyễn Đức Soát và cựu phi công Nguyễn Sỹ Hưng đã quyết định chọn toà nhà ARTEMIS là nơi tổ chức cuộc gặp. Đây là 1 địa điểm lý tưởng cho các cuộc gặp của các cựu phi công 2 phía. Từ trên tầng 7 của toà nhà, qua lớp kính trong suốt các phi công 2 bên có thể nhìn xuống BẢO TÀNG KHÔNG QUÂN, nơi có những chiếc rada, tên lửa, những khí tài đã góp phần tiêu diệt hơn 4.000 máy bay Mỹ ( một số lượng máy bay mà người Mỹ tổn thất nhiều nhất trong lịch sử chiến tranh của họ) và đặc biệt nổi bật là những chiếc máy bay Mig 17, Mig 19, Mig 21 với những cánh sao đỏ trên thân máy bay mà mỗi ngôi sao là biểu hiện 1 máy bay Mỹ bị bắn rơi.
ARTEMIS là tên nữ thần săn bắn trong thần thoại Hy Lạp. Tượng nữ thần được đặt đặt tại chỗ trang trọng nhất của toà nhà, nghiêng đầu nhìn về phía BẢO TÀNG KHÔNG QUÂN nơi có xác máy bay của kẻ xâm lược. Tính anh hùng được thể hiện ở dáng đứng, ở cánh tay với ra phía sau rút tên, tính nhân văn thể hiện ở gương mặt thanh thoát và chú hươu hiền lành dưới chân Nữ thần, một biểu hiện của Hoà bình…
Một sự cố lớn đã xảy ra trước cuộc gặp, Vợ của trung tướng Nguyễn Đức Soát từ trần. Nỗi đau quá lớn trước sự ra đi của người vợ xinh xắn hết lòng yêu thương chồng nhưng trung tướng Nguyễn Đức Soát vẫn nén đau chỉ đạo việc tổ chức cuộc gặp rất chu đáo.
Cựu đại tá phi công Thuỷ quân lục chiến Charlie Tutt cùng 1 đồng nghiệp đã đến nhà riêng trung tướng Nguyễn Đức Soát thắp hương. Trong bữa cơm gia đình ông đã nói:
– Nếu như 2 cuộc gặp lần đầu vẫn còn những bỡ ngỡ, khoảng cách thì lần gặp thứ hai mối quan hệ đã gần gũi hơn, chúng ta đã coi nhau như bạn bè và cùng một mong muốn phát triển mối quan hệ ở một tầm cao, có ich cho 2 dân tộc.
Cũng như các cuộc gặp lần trước, cuộc gặp lần này là cuộc gặp tự nguyện của các cựu quân nhân phi công Mỹ-Việt nam.
Phía Mỹ có 25 người tham gia, trong đó có 17 phi công với 1 Ace. (Mỹ có 6 phi công được vinh danh là Ace bắn rơi và tham gia bắn rơi 5 máy bay ta, trong đó có 2 phi công chính và 4 phi công phụ ( 1 phi công phụ tham gia bắn rơi 6 máy bay ta trong cuộc chiến tranh Việt nam). Trưởng đoàn là cựu đại tá phi công thuỷ quân lục chiến Charlie Tutt, 75 tuổi
Phía Việt nam có 23 phi công với 6 Ace gồm: Trung tướng Nguyễn Đức Soát, Trung tướng Phạm Phú Thái, Đại Tá Phi công huyền thoại Nguyễn Văn Bảy, Đại tá Lê Thanh Đạo, Đại tá Nguyễn Văn Nghĩa, Đại tá Vũ Ngọc Đỉnh. Trưởng đoàn là anh hùng, trung tướng Nguyễn Đức Soát. Việt nam có 19 phi công được vinh danh là Ace trong cuộc chiến tranh Việt nam ( trong đó các phi công Nguyễn Văn Cốc bắn rơi 9 chiếc, Các phi công bắn rơi 8 chiếc là Thượng tướng Phạm Thanh Ngân và Mai Văn Cương, tiếp đến là các phi công bắn rơi 7 may bay Mỹ là Nguyễn Văn Bảy và Đặng Ngọc Ngự)
Cùng tham gia có, đại diện của đại sứ quán hoa kỳ tại Việt nam và hơn 12 cơ quan báo chí, truyền hình lớn trong và ngoài nước.
Chủ đề của cuộc gặp được anh hùng, trung tướng Nguyễn Đức Soát, cựu phi công Nguyễn Sỹ Hưng cùng các cựu phi công Việt nam phát triển tư tưởng của của cuộc gặp lần thứ 2: “From Dogfights to Dente” (Từ Không chiến đến Hòa giải) lên một tầm cao mới: “From Dogfights to Détente and cooperation for development” ( từ không chiến đến hoà giải và hợp tác phát triển ). Đây không chỉ là mong muốn của Trung tướng Nguyễn Đức Soát, của Đại tá Charlie Tutt, của các cưu phi công 2 phía đã tham trong chiến tranh Việt nam mà là 1 xu thế tất yếu trong mối quan hệ đang ngày càng phát triển tốt đẹp giữa hai nước.
Bàn tròn được bố trí theo từng trận đánh, Các phi công Mỹ và Việt nam ngồi bên nhau để dễ thảo luận.
Trung tướng Nguyễn Đức Soát, mở đầu buổi thảo luận bằng 1 bài phát biểu sâu sắc và ngắn gọn:
“Mục đích của cuộc gặp mặt giữa các cựu phi công Việt Nam và Hoa Kỳ không chỉ dừng lại ở việc muốn làm sáng tỏ một số thắc mắc vẫn theo đuổi mỗi phi công sau các trận không chiến cách đây gần nửa thế kỷ,mà sâu xa hơn, chúng ta muốn đẩy mối quan hệ sang một chương mới góp phần xây dựng quan hệ giữa hai nước tương xứng với quyết tâm chính trị của lãnh đạo hai nước” gác lại quá khứ-hướng tới tương lai-xây dựng mối quan hệ hợp tác toàn diện”.
Tháng 9-2017, câu đề dẫn:” Từ không chiến-đến hòa giải” mà các cựu phi công Hoa Kỳ nêu lên cho cuộc /gặp mặt/ trên tàu sân bay USS Midway-/ đã để lại ấn tượng cho các cựu phi công Việt Nam. Tại cuộc gặp mặt ở Hà Nội 2018 lần này, chúng tôi muốn bổ sung thêm một vế và đưa ra câu Slogan cho cuộc gặp mặt lịch sử của chúng ta:” Từ không chiến đến hòa giải và hợp tác phát triển” –tư tưởng này chắc chắn sẽ lan tỏa trong khuôn khổ ngoại giao nhân dân giữa hai nước-chỉ có hợp tác toàn diện có chiều sâu và hiệu quả thì nền hòa bình mới vững chắc-Chúng ta cùng tin rằng, câu đề dẫn này, không chỉ có ý nghĩa với các cựu chiến binh, mà còn là xu thế tất yếu trong mối quan hệ đang ngày càng phát triển tốt đẹp giữa hai nước…
Tiếp theo Đại tá Charlie Tutt tâm sự: Năm 2014, Tướng Soát và tôi đã thảo luận về cuộc gặp của các phi công Mỹ và Việt nam. Từ ý kiến của tướng Soát năm 2017 đã diễn ra cuộc gặp đầu tiên và tiếp đến bây giờ là cuộc gặp lần 3. Cảm ơn tướng Soát, động lực thúc đẩy sự thành công của các cuộc gặp và hoà giải, cảm ơn các bạn về sự thân thiện. Chúng ta đang xây dựng tình bạn tốt hơn, hoà giải tốt hơn. Chúng ta có nhiều điểm chung, Hoà giải là 1 mục tiêu dài hạn của chúng ta
Phần 1 của buổi thảo luận là giới thiệu các trận đánh có phi công 2 bên tham gia ngày hôm nay. Trong đó trận ngày 10/5/1972 Trận đánh có quy mô lớn nhất, dài nhất của không quân 2 nước. Phía Mỹ xuất kích hơn 400 lần, phía VN xuất kích hơn 70 lần trong đó có nhiều phi công xuất kích 2-3 lần. Phi công Nguyễn Đức Soát đã xuất kích 2 lần. Phía Mỹ công bố bắn rơi 11 máy bay Việt nam, phía Việt nam xác nhận chỉ có 5 chiếc bị rơi. Ngược lại Phía Việt nam công bố bắn rơi 10 máy bay Mỹ nhưng phía Mỹ xác nhận họ chỉ rơi 4 chiếc còn 6 chiếc bị thương.
Phần 2 là sự trao đổi, tranh luận của các phi công trong mỗi trận đánh.
Trung tướng anh hùng Phạm Phú Thái, tác giả của cuốn sách nổi tiếng “ Lính bay”, một cuốn sách đang được VTV8 dựng thành phim, chia sẻ: Những cuộc tranh luận trong lần gặp đầu đã xảy ra sôi nổi, gay gắt: anh bắn tôi, tôi bắn anh… nhưng bây giờ việc ai bắn rơi ai không còn quan trọng nữa, giờ đây chúng ta là bạn cùng hướng về tương lai.
Phi công Thomas Hanton tâm sự: Tướng Thái bắn rơi tôi trong trận 27/6/1972 nhưng tôi rất tôn trọng tướng Thái.
Brig.Gen. Lenski A.L thì nói: Trong cuộc rượt đuổi, 1 quả tên lửa vượt lên và nổ phía bên phải của tôi. Tôi nghe tiếng hô của phi công cùng bay: Vòng trái. Nhìn lại phía sau, tôi thấy 2 chiếc Mig bám 2 bên, tôi chỉ biết tăng tốc tối đa vọt lên trên đám mây thoát ra sau 30 giây, tôi ngoái lại thì thấy bạn bay của tôi đã bị Phi công Vũ Ngọc đỉnh bắn rơi.
Hôm nay chúng tôi vinh dự được gặp lại những người đã từng chạm trán trên không trước đây.
Phi công Ace Vũ Ngọc đỉnh, tuổi 79 chậm chạp với bệnh gút trong bước đi nhưng nhanh nhẹn mô tả trận đánh năm xưa với Brig.Gen. Lenski
Phi công lái B52 USAF Dave Volker, trận ngày 20/11/1971 nói: 3 máy bay B52 của chúng tôi cất cánh từ sân bay Utaphao Thái lan, đến ném bom khu vực đèo Mụ Giạ ( chiến dịch Arc Light), Trước đó rada bị hỏng. Khi chuẩn bị cắt bom thì tôi nghe tiếng hoa tiêu: Rời khỏi vị trí, bay về ngay. Chúng tôi huỷ bỏ nhiệm vụ và quay về. Sự chuyển hướng của B52 rất chậm chạp. 1 đám lửa bùng lên phía cánh trái máy bay và bóng 1 chiếc Mig vút qua. Đến bây giờ tôi còn nhớ ánh lửa đó. Tôi xin nhường lời cho phi công đã bắn quả tên lửa đó.
Phi công Mig 21Vũ Đình Rạng tiếp lời, Đêm hôm đó tôi được lệnh bay đêm trên vùng trời Nghệ an. Bay đêm không rada với kỹ thuật bay thời đó rất khó khan, mò mẫm. Tôi được báo ở khoảng cách 80 km có B52. Tôi bay về hướng mục tiêu và liên tục nhận thông tin: Khoảng cách 30,20,15 km. Tôi bật ra đa và phát hiện B52. Có lẽ do chủ quan, các phi công Mỹ không mở rada cảnh giới nên B52 không phát hiện được tôi. Tôi lao vào mục tiêu phóng tên lửa nhưng trượt. Có tiếng hỏi:
– Vậy phi công đánh chặn ở đâu?
– Phi công đánh chặn trên B52 chỉ là hành khách.
Dave Volker hài hước về sự chủ quan của kíp lái B52. Vào thời đó phi công B52 là những phi công kiêu hãnh của không quân hoa kỳ và họ nghĩ chẳng có lực lượng nào có thể tấn công được các siêu pháo đài bay B52.
Kế hoach sử dụng Mig 21 tấn công B52 được quân chủng PKKQ chuẩn bị rất công phu tuy chưa thành công nhưng quả tên lửa của phi công Vũ Đình Rạng đã làm khiếp đảm và thay đổi chiến thuật sử dụng B52 của Hoa kỳ. Sau trận đánh Phía Mỹ đã tạm dừng B52 đánh vào khu 4 ( PR – 1) trong 1 thời gian dài và Không quân Mỹ bắt đầu thực hiện chiến thuật: Bắt buộc phải có máy bay tiêm kích F4 hộ tống khi B52 hoạt động ở miền bắc Việt nam.
Dave Volker thuê hoạ sỹ vẽ tấm hình có quả tên lửa nổ bên cánh trái máy bay B52, phía sau là chiếc Mig 21 và tìm gặp bằng được Phi công Vũ Đình Rạng để trao tặng món quà. Ông hài hước nói:
– Phía sau bức ảnh là tổ bay B52 gồm 5 người, may mà quả tên lửa bắn trượt nếu không tôi nợ mạng sống của những người này và đây là lần đầu tiên trên thế giới B52 bị không quân đối phương tấn công.
Phi công Vũ Đình Rạng trao tặng Dave Volker mặt trống đồng của Việt nam rồi 2 người bắt tay thân thiện.
Phi công Chuck Jackson USAF bị phi công Ace Nguyễn Văn Nghĩa bắn rơi ngày 24/6/1972 tâm sự:
– Tôi bị tên lửa Mig 21 của ông Nghĩa bắn rơi và nhảy dù ở vùng núi Hoà Bình. Những người dân tộc Thái đen đã bắt tôi nhưng họ rất tốt. Họ cho tôi ăn, băng bó vết thương cho tôi nhưng họ lại giao tôi cho Bộ đội Viet nam đưa tôi về Hoả lò… Lần này đến Việt nam tôi cùng vợ và cậu con trai duy nhất đã về vùng núi Hoà bình thăm lại những người đã bắt tôi. Bây giờ tôi cùng gia đình chụp ảnh với phi công Nguyễn Văn Nghĩa. Chúng tôi trở thành những người bạn mới. Chúng tôi rất kính trọng ông Nghĩa. Chuck Jackson nở nụ cười rất mãn nguyện, rất thân thiện. Người vợ đứng bên thỉnh thoảng nhắc cho Chuck Jackson những đoạn bị quên do xúc động. Cậu con trai thích thú đứng cạnh phi công Ace Nguyễn Văn Nghĩa lắng nghe câu chuyện đầy thú vị của cha…
Phi công Nguyễn Văn Nghĩa tâm sự: Ngày xưa, chúng ta đều là người lính, đều thực hiện nhiệm vụ mà đất nước giao. Trên bầu trời anh không bắn tôi thì tôi cũng bắn anh. Ngày nay chiến tranh đã lùi xa, tôi mong sẽ không còn chiến tranh để con cháu chúng ta được học hành…
Charles S. Casey, thiếu tá tuỳ viên quân sự Đại sứ quán Mỹ trân trọng: Bố tôi cũng là phi công trong chiến tranh Vietnam, ông lái HU1A, phục vụ ở chiến trường Đà Nẵng, Chu Lai, Khe Sanh. Tôi nguyên là sỹ quan Thuỷ quân lục chiến, phục vụ cho không quân. Chiến tranh đã trôi qua, nhiệm vụ của chúng ta là hàn gắn vết thương và phát triển mối quan hệ. Chiến tranh hay hợp tác đều là do những con người cụ thể. Chúng ta đánh giá cao những nỗ lực của ngoại giao nhân dân mà các phi công ở đây đang làm rất tốt.
Cuối buổi gặp, 2 phía tặng quà cho nhau. Rất cảm động khi Tướng Soát trao tặng quà riêng cho đại tá Charlie Tutt và ngược lại đại tá Charlie Tutt cùng phi công Ace Randy Cunningham, 1 trong nhưng phi công ACE ở chiến trường Viêt nam ( người tuyên bố bắn rơi phi công Nguyễn Tomb, một phi công huyền thoại mà phi công Mỹ kiêng nể, nhưng phía Việt nam thông báo: Không quân Việt nam không có ai tên như vậy) đã trao tặng tướng Soát 2 bức ảnh rất quý giá, ông nói:
– Đây là bức ảnh của các phi công Ace của thế giới bao gồm cả phi công vũ trụ và được tặng cho phi công Ace Việt nam
Món quà của phi công Dave Waldrop thì khác: ông đã vẽ lại phù hiệu của chiếc áo bay trong trận 23/8/1967 ngày mà ông đã bắn rơi phi công Lê Văn Phong. Ông đã nhờ Tướng Soát trao tặng bức ảnh tới gia đình liệt sỹ Phong và có nguyện vọng về thăm gia đình của liệt sỹ Phong trong sự xúc động của nhiều người.
Món quà của Phi công Ace huyền thoại Nguyễn Văn Bảy là 1 chiếc áo có in hình của 2 phi công Nguyễn Văn Bảy và Charlie Plumb cùng đua nhau kéo râu sang 2 bên xem ai dài hơn, 1 cuộc đua thay cho cuộc nổ súng năm xưa, rồi ông vui đùa: Tôi là Ace nhất các phi công Viêt nam vì tôi đã 83 tuổi. Mọi người cùng cười.
Cuộc thảo luận kéo dài từ 15h đến 21h nhưng phi công cả 2 phía vẫn ngồi trao đổi chưa muốn về. Trung tướng Nguyễn Đức Soát phải thông báo kết thúc buổi họp để dành sức cho cuộc hành trình ngày mai về hạ long, ngày kia lên thăm Tam đảo và ngày thứ 7 họ lại cùng nhau vào TP Hồ Chí Minh sau đó cùng về miền sông nước thăm Phi công Ace Nguyễn Văn Bảy.

Thật là xúc động trước những mái đầu đã bạc, những dáng đi đã chậm của những người đã từng là kẻ thù nay đã thành bạn và đang cùng cố gắng đưa mối quan hệ của 2 nước lại gần bên nhau…

LTM. 10/2018

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here