QUÊ NGOẠI YÊU THƯƠNG
Quê ngoại tôi là một vùng quê nghèo của miền đất Nghệ an. Mẹ tôi kể: khi sinh mẹ tôi được vài tháng thì bà ngoại tôi mất, mẹ khát sữa và phải bú nhờ người chị cả là gì Sâm. Lớn lên cũng chỉ vài tuổi, ông Ngoại cũng mất và mẹ sống trong tình thương của anh chị em và nghĩa tình xóm làng. 14 tuổi Mẹ phải đi ở cho địa chủ và cho đến giờ tôi vẫn còn nhớ câu chuyện mẹ kể cho chúng tôi khi còn bé:
Ngày tết nhà địa chủ đầy thịt cá nhưng những người ở thì cơm không có ăn. Nhìn những nồi cá được treo trên cao, mùi hương thoát ra thơm cồn cào những cái bụng đói gầy, Bác Thức, người ở lớn tuổi nhất nhìn các em xót xa. Nghĩ 1 hồi Bác ra vườn hái 1 nắm lá, bỏ vào miệng nhai kỹ, ngó trước ngó sau rồi bảo mọi người tránh đi hết, chỉ mẹ tôi canh cửa xem mụ địa chủ có xuống thì báo bác. Rồi bác mở nắp nồi cá phun đám lá vừa nhai vào nồi cá và bác cầm cái vung ném mạnh xuống đất rồi bảo mẹ tôi chạy nhanh khỏi bếp. Mụ địa chủ nghe tiếng động lật đật xuống bếp. Thấy cái vung vỡ, thấy 1 đống lầy nhầy xanh xanh trong nồi cá nghiêng nghiêng, Mụ rùng mình gọi.
– Thức, mèo nhảy lên ăn vụng cá, mửa cả vào nồi khiếp quá, đem đổ đi cho tau.
– Dạ, Bác Thức lật đật chạy vào ngơ ngác rồi mang cái nồi cá bị mèo mửa ra sau nhà còn Mụ địa chủ bịt mũi bịt miệng chuồn nhanh khỏi bếp…
Và hôm đó gần chục người ở có 1 bữa cơm cá kho ngon nhất mà họ từng được ăn…
Rồi sau đó, Bác Thức bỏ gia đình địa chủ xung phong vào bộ đội và sau này Bác mang quân hàm Đại tá trước khi về hưu. Mẹ tôi cũng thoát ly theo cách mạng ở tuổi 17, lúc đầu làm ở tỉnh uỷ Nghệ an, sau chuyển sang Ngân hàng.
Ba tôi cũng vào rừng theo cách mạng ở tuổi 14. Năm 1958 Ba tôi tập kết ra Bắc và ở ngay chính nhà của mẹ tôi. Ba thich mẹ và cứ lân la vào bếp khi mẹ nấu cơm. Thấy mẹ đẩy rơm cho lửa cháy, Ba cũng đẩy theo và bị mẹ dùng que cời lửa gõ cho 1 cái vào đầu… và gần 1 năm sau thì có đám cưới quân nhân tại 1 xóm nghèo: Lượng xuân, Nghi Trung, Nghi Lộc Nghệ an.
Cưới xong rất ngắn ba lại vào chiến trường, mẹ tôi chuyển sang Ngân hàng và cuối năm 1959 tôi được sinh ra ở trạm xá xã Diễn Thành Diễn Châu- Nghệ an… Mẹ tôi kể, đó là 1 xã nghèo ven biển của Nghệ an, nơi có những trận bom Mỹ ác liệt, nơi mẹ tôi vứt cả con để theo dân quân bắt phi công Mỹ và là nơi có những bước chân chập chững đầu đời của tôi….
Thời gian trôi qua, mẹ tôi di chuyển nhiều theo đơn vị của mẹ và càng lớn, tôi càng ước ao được trở về với miền đất Diễn Thành của Huyện Diễn châu…
Thế rồi, mẹ tôi mất và ước nguyện được cùng mẹ về thăm xã Diễn Thành vẫn chưa thực hiện được…
Rồi bất ngờ, hôm nay, ngày 30/4 tôi bay từ TP HCM ra khảo sát 1 ngôi trường mà IMG dự kiến từ thiện thì chợt nhận ra: Vị trí từ thiện cách xã Diễn thành không xa… Phải về Diễn Thành, Phải tìm về trạm xá nơi mình sinh ra…và tôi đã về Diễn thành trong bồi hồi…
Sau đó về Lượng xuân, thăm quê ngoại yêu dấu
Từ Diễn châu về Vinh, xe chạy qua cầu Cấm, nơi tôi đã cùng lũ bạn đi bộ cả buổi sáng mùng 2 tết thăm cầu và rồi những đứa bạn cùng đi, đứa thì chết vì bom Mỹ, người thì mất vì bệnh tật…
Qua ga Quán hành vài trăm mét, xe rẽ trái, vào con đường làng bé nhỏ ngày xưa và nay được mở rộng làm tôi không nhận ra xóm Lượng xuân của mình. Cái làng Lượng Xuân bé nhỏ nhưng phải hứng hàng ngàn trái bom vì là địa điểm nằm sát Ga quán hành, nơi là mục tiêu ném bom của máy bay Mỹ hoặc là nơi máy bay Mỹ trút những trái bom chưa kịp thả trước khi trở về sân bay hoặc hạm đội…
Ngày đó, Mẹ tôi sinh em tôi, không đủ sức nuôi cả 2 đứa, mẹ gửi tôi cho Cậu Long nuôi.
Con đường này khi xưa mỗi lần đi học về, chúng tôi thường xuống ruộng bắt ốc bỏ vào túi quần rồi về thả vào ao của Cậu… rồi 1 hôm, trên con đường làng bé nhỏ bỗng chật ních người cùng màu áo bộ đội và những vòng lá nguỵ trang…Tôi nhận ra anh Hiến con gì Sâm, anh Lâm con Mự Long… những người anh hôm qua còn mặc áo rách gánh lúa, cuốc đất nay mặc áo xanh cùng vòng lá nguỵ trang sau lưng rất đẹp… và sao Mự Long và gì Sâm cùng nhiều bác trong xóm lại khóc nhỉ… thế rồi… mọi người lên xe ôto vẫy tay, Mự long và gì Sâm lấy vạt áo chùi nước mắt nhìn theo đoàn xe xa dân… và đó là lần cuối Mự và gì nhìn thấy các anh và cho đến bây giờ, khi mà Mự và gì mất đi cũng không ai biết phần xác các anh ở đâu…
Tôi vào căn nhà thờ bé nhỏ trong khu vườn của Cậu Long thắp hương cho Cậu Mự mà bồi hồi kỷ niệm.
Khi ấy vườn của Cậu trồng đầy cam và khoai lang. Những cây cam trĩu quả và chúng tôi chỉ được nhìn và nuốt nước miếng. Anh Lâm, người con trai duy nhất của Câu-Mự đi bộ đội, Cậu Tràng, em Cậu long cho người con của mình là anh Cảnh ra ở với Cậu Long cho khuây khoả nỗi buồn. Anh Cảnh là vua nghịch và tất nhiên tôi là đệ tử của anh. 2 anh em tôi nhìn cam lúc đầu thì thòm thèm, sau thì ghét… Một sáng sớm anh Cảnh ra vườn rồi hô to:
– Ơ cam rụng
Cậu Long cầm quả cam ngắm ngía 1 hồi rồi cho 2 anh em chúng tôi ăn. Anh Cảnh nhường cho tôi nhiều hơn rồi nói:
– Tau bứt cho mi ăn chứ không phải cam rụng.
Sáng sau tôi cũng dậy sớm, ra vườn và hô to.
– Ơ cam rụng
Cậu Long cầm quả cam ngắm ngía 1 hồi rồi cho tôi 1 trận đòn…
– Này thì cam rụng…
Anh Cảnh nấp sau cửa, chờ cậu đi khỏi, chạy tới dí tay vào đầu tôi
– Mi ngu lắm, cam rụng thì không có cuống và vết rụng thâm thâm. Tau phải lấy đất trét vào cho thâm, đàng ni mi lại bứt cả cuống để xuống đất, mần chi có cam rụng kiểu đó…
Rồi những kỷ niệm cứ ùa về… một lần , buổi tối tôi theo chị Long lên xã Long Phan mua me và từ đó tôi lang thang theo vệ đường tàu chăn me, những chiều chăn me về Chị Long nhìn tôi cười và xoa đầu tôi ….một lần tôi sốt, chị Long lấy lá ngải cứu dã nhỏ và đắp vào trán tôi rồi chị đút những thìa cháo nóng cho tôi. Về ngoại hình chị rất giống mẹ tôi và tôi rất yêu quý chị, yêu như mẹ của mình…
Tôi theo mẹ ra miền Bắc, mỗi lần về thăm quê gặp chị, gặp cậu Mự đều rất vui. Rồi chị sinh bé Hiền, 1 cô cháu gái véo von cả nhà ai cũng yêu cháu…
Một ngày mẹ tôi gục đầu trên bàn làm việc khóc và ngất khi nghe tin: Bom nổ trong vườn, Cháu Hiền bị mảnh bom xuyên qua não chết ngay trên tay mẹ, mảnh bom xuyên vào mông chị Long, mọi người cáng chị lên bệnh xá và hôm sau chị mất vì mất quá nhiều máu. Dù còn rất nhỏ, tôi đau đớn vô cùng.
Cậu Long gói mảnh xương sọ của cháu vào tấm nilong, mỗi buổi ăn cơm, câu thò tay vào túi áo lôi miếng xương sọ của bé Hiền nhìn và khóc, nước mắt chan đầy bát cơm rồi 6 tháng sau cậu chết trong nỗi đau.
Còn 1 mình, Mự Long còm cõi khoảng 35 kg. Ngày ngày Mự ngồi ngoài sân ngó ra con đường nơi tiễn anh Lâm đi bộ đội rồi ngó vào mảnh sân nơi có bé Hiền vui đùa cùng chị Long… Đơn độc và đau thương và người nông dân chân chất đôi khi không hiểu hết cái nghĩa trong tấm bằng: Mẹ Việt nam anh Hùng…
Mự mất đi, Cậu Tràng và các cháu để lại mảnh vườn và xây 1 gian thờ bé nhỏ như 1 cái miếu để trân trọng ruột thịt của mình.
Rời nhà thờ, tôi về nhà Cậu Tràng, anh kế mẹ tôi. Cậu mất, anh Trường con đầu của Cậu ở lại căn nhà. Tôi còn nhớ ngày anh Trường về nước đã lên Xuân Hoà thăm mẹ tôi… rồi ngày nghỉ cùng chúng tôi đi chặt củi trộm ở đồi thằn lằn
Thắp hương cho Cậu Mự xong, anh em quây quần bên mâm cơm, chén rượu cùng hồi tưởng kỷ niệm.
Từ chuyện chị Quế mải chơi đáo, đổ nhầm gạo nếp nấu cơm, khi phát hiện sợ Cậu đập bèn đổ cả nồi cơm nếp xuống ao để thay gạo vào…
Từ chuyện, bọn trẻ chúng tôi chạy theo nhặt truyền đơn Mỹ rải từ máy bay đem về bị Cậu Tràng đập toe đít
Là bí thư Đảng uỷ, kiêm chủ tịch xã, Cậu Tràng đã dấu quyết định vào đại học của con trai để cho con đi bộ đội… và cho đến khi Cậu mất chúng tôi không tìm được nơi anh Quang hy sinh…
Với Chị Quế thì thật là nhiều kỷ niệm, từ đánh bi đánh đáo chả thua kém ai… đến việc xin tiền mẹ nộp tiền học phí… Mự tràng quá nghèo không có tiền cho 4-5 đứa nộp học phí. Nhìn con gái xót xa Mự nói
– Tau chỉ còn cái bình vôi, mi mang đi mà nộp
Tưởng thật, chị mang bình vôi đi nộp và tất nhiên bị từ chối, chị khóc tất tưởi trở về…
Thế mà chị học đến nơi, đến chốn. Khi học xong lớp 10, mẹ tôi đã dùng uy tín của 1 bí thư đảng uỷ để xin cho chị vào nhà máy Z123 cho có đứa cháu ở gần rồi kiếm chồng cho cháu… Hồi ấy vào được nhà máy thật là khó khăn, vậy mà khi nhà máy nhận thì chị không chịu vào vì… chị Đỗ đại học. Với mẹ tôi, đại học không quan trọng mà quan trọng hơn là có 1 đứa cháu ở gần O.
Một lần, khi đang học đại học THHN, tôi về phép và quyết định ghé thăm Cậu Tràng 2 ngày. Ngày 28 tết tôi ôm ba lô ra Ga Vinh. Cậu Tràng rít 1 hơi thuốc lào rồi nói:
– Cháu không phải đi tàu
Rít 1 hơi nữa, từ từ nhả khói cậu nói tiếp.
– Con Vân và con Quế mua vé máy bay cho cháu rồi.
Tôi lặng người vì Cậu tôi rất nghèo, các chị tôi là giáo viên cũng rất nghèo, vậy mà chắt chiu ở đâu ra cho tôi tiền đi máy bay và đó là lần đầu trong đời tôi được đi máy bay, năm 1978. Tôi còn nhớ rõ, 2 chị chở tôi ra sân bay Nghi Liên, trước khi đi 2 chị pha cho tôi 1 bi đông nước chè xanh, pha đường và dặn, khi nào khát em uống. Ra tới sân bay, thấy thông báo: Quá cước sẽ bị nộp tiền mà tôi thì làm gì có tiền… Lo sợ, tôi đem bi đông chè xanh xường uống và khi không thể uống thêm tôi đổ đi vì sợ quá cước…. nhưng khi cân thì thấy tiếc vì còn thiếu 4kg. Hơn 40 trôi qua nhưng tình yêu thương của các chị mãi nặng trong tim tôi, Nhìn mái tóc các chị đã bạc mà thương…
Chị Thành, em sau Chị Quế cùng học lớp với tôi, chị là người hiền lành, chân chất, cùng lũ chăn trâu cắt cỏ với tôi hồi nhỏ. Ngày 20/11, tôi và chị Thành mỗi người được Cậu cho 1 quả cam đi chúc thầy Hán. Chờ đến trưa thầy chưa về, tôi bóc quả cam nếm 1 miếng… Thầy về tôi chạy tời dúi vào tay thầy
– Này em cho thầy rồi chạy về nhà
Ơi là lớp vỡ lòng yêu thương
Chị Tâm, sau gần 20 năm xa từ khi chị đi Tiệp rồi trở về nay mới gặp, chị nhắc nhiều khi còn nhỏ tôi hay trêu chị với cu Ninh nhà bên cạnh…
Và anh Phúc, người anh cương trực bị cha đánh toét đít vẫn không van xin
…
Còn anh Lộc, người anh con út của Cậu bị bệnh Down, nước miếng luôn chảy ướt áo… vậy mà 1 ngày anh đòi lấy vợ. Anh Trường và các chị dựng tóc gáy can … vừa chảy nước miếng anh nói:
– Không lấy vợ cho tui, tui ra đường tàu đâm vào tàu để chết
Các anh các chị lại dựng tóc gáy. Anh Trường ngập ngừng
– Rứa em muốn lấy ai, có ai dám lấy mi
– Có, Lấy O Hoà bán gạo
Mọi người nhìn nhau và chợt nhớ có 1 O bán gạo hiền lành đã đến nhà mấy tháng trước.
Thương em, anh Trường khăn áo lên nhà O Hoà, vừa hỏi vừa chuẩn bị chạy vì sợ bị chửi…. Gia đình O Hoà gọi O Hoà ra và… O Hoà đồng ý, thật là 1 phép màu…
Ngày cưới, bà con xóm làng đến đông hơn đám cưới con quan huyện, phần vì ngạc nhiên nhưng phần lớn là 1 tình thương cho 1 cậu bé tật nguyền nhưng tốt bụng. Bởi bất cứ ai trong làng, trong xã có việc là anh Lộc đều đến, bê vác và tự động làm việc nhà của họ cho dù họ muốn hay không muốn….và cũng thật có hậu, các con của anh đều ngoan và học rất giỏi. Có lẽ ông trời cũng thương anh chị.
Rồi đến lúc cũng phải chia tay với quê ngoại, với những người anh người chị đã gắn bó với tuổi thơ của mình đầy yêu thương để trở về TP HCM.
Tạm biệt xóm Lượng Xuân, tạm biệt xã Nghi trung nơi tôi yêu thương.
(Viết trên chuyến bay 1267 Vinh-HCM ngày 30/4)