Năm 2007, Tôi vào Bệnh viện Trung ương Huế thăm Ba. Thật xót xa khi thấy Ba nằm ở 1 khu vực tồi tàn như bệnh xá, vợ và em gái tôi phải nằm và ngồi ngoài gốc cây, dưới làn sương lạnh để gần và tiện chăm sóc cho ông. Tôi nghĩ: BVTW Huế là 1 trong 3 trung tâm y tế lớn nhất Việt nam mà còn thiếu chỗ cho bệnh nhân và người chăm bệnh thế này thì các tỉnh thành sẽ ra sao?
Thế rồi trong tôi chợt xuất hiện ý nghĩ: Cần có Khách sạn Bệnh viện để bệnh nhân được chăm sóc tốt hơn, người nhà bệnh nhân cũng được thuận lợi và kinh tế hơn. Tôi đặt tên: Khách sạn Bệnh viện với mong muốn người đi chữa bệnh có cảm giác như ở khách sạn, vừa tiện ích vừa giảm cảm giác đau đớn sợ hãi đồng thời có thể thu hút khách nước ngoài và hỗ trợ cho người dân Lào. Tôi mang ý nghĩ này trao đổi với 1 người bạn làm ở VPCP và Giám đốc 1 BV lớn của TP HCM. Mắt các bạn tôi sáng bừng và nhận thấy đây là việc cần thiết phục vụ công đồng và chắc chắn có hiệu quả. Chúng tôi đồng lòng và bay ra Huế gặp ban Giám đốc BV TW Huế.
Việc đầu tiên là cần chấp thuận chủ trương của lãnh đạo BVTWH. Sau khi lắng nghe kỹ lưỡng, mục đích, quy mô, phương thức hợp tác, các bước đi… lãnh đạo BVTWH đồng ý hợp tác và thành lập BỆNH VIỆN QUỐC TẾ TRUNG ƯƠNG HUẾ với tổng mức đầu tư khoảng 900 tỷ, nhà đầu tư bỏ vốn 100% và hưởng 70%, BVTWH góp bằng quyền SDĐ, lợi thế và hưởng 30%. BVTWH sẽ điều hành chuyên môn.
Bước thứ 2 là đất. Khu đất mà chúng tôi nhắm có diện tích hơn 1 ha nằm sát BV và trước đây thuộc sự quản lý của BVTWH, sau này UBND Tỉnh TTH quyết định thu hồi để mở rộng văn phòng UBND tỉnh. Chúng tôi gặp, trình bày với lãnh đạo UBND tỉnh. Sau khi lắng nghe đ/c chủ tịch tỉnh đồng ý và 1 tháng sau UBNDTTH có quyết định giao khu đất lại cho BVTWH. 3 anh em chúng tôi ngồi uống bia và bàn các bước tiếp theo.
Bước thứ 3 là xin chủ trương của Bộ Y tế. Một lãnh đạo của BVTWH nhân dịp tết bay ra gặp Bộ trưởng Bộ y tế và Bộ y tế đồng ý chủ trương thành lập: BỆNH VIỆN QUỐC TẾ TRUNG ƯƠNG HUẾ.
Bước thứ 4 là xin ý kiến Chính phủ và Chính phủ cũng đồng ý.
Thật may mắn, tất cả các cơ quan đều đồng ý và cùng 1 tư duy: Nhà nước không phải bỏ tiền mà sử dụng sức dân để có 1 BV chất lượng cao phục vụ dân và khách quốc tế. Nhà nước trực tiếp điều hành và hưởng 30% lợi nhuận. Có lẽ đây là 1 trong những cơ chế hợp tác tốt nhất cho nhà nước và doanh nghiệp.
Tôi bắt tay ngay vào công việc thiết kế bên ngoài, layout phòng lưu bệnh như phòng khách sạn, cảnh quan, cầu dẫn… và nhiều đêm thức đến gần sáng. Tôi mang bản thiết kế in màu cho Ban GĐBV xem, mắt mọi người bừng sáng và cuộc thảo luận sôi nổi, chỗ này là phòng mổ, chỗ kia phòng chuyên môn…
Những ngày tháng sau đó, lòng chúng tôi rân ran mong BỆNH VIỆN QUỐC TẾ TRUNG ƯƠNG HUẾ mau thành hiện thực. Dòng máu của đam mê và cống hiến chảy sâu trong từng con người.
…
Một ngày BVTWH thông báo: cấp trên không đồng ý hợp tác và Bộ y tế sẽ cấp kinh phí để BVTWH tự làm. Tôi và 2 người bạn ra quán uống rượu lòng buồn rười rượu. Phần vì tiếc những chi phí không quay lại, phần thì tiếc ước mơ lụi tàn.
…
Năm 2015, tôi về thăm mẹ, khi mẹ tôi nằm viện. Nhìn BVQTH được xây đúng thiết kế của mình, khang trang, hiện đại, lich sự và đông đúc mà ngỡ ngàng, vui và có phần tiếc nuối. Bác sỹ trưởng khoa bắt tay tôi cười:
– Chúng tôi sắp xếp cho Bà nằm ở căn phòng tốt nhất và nói với người nhà: a Minh là tác giả của nơi này.
Nhìn phòng bệnh, nơi bà nằm khang trang, giường bệnh chất lượng cao với những thiết bị y tế hiện đại, đầy đủ, có phòng vệ sinh, 1 xopha có thể làm giường ngủ cho người chăm bệnh, có tủ lạnh, tủ đồ, bàn ghế, tivi, bàn ăn trên giường, nhân viên phục vụ đồng phục, chuyên nghiệp như khách sạn 4 sao… tôi không còn buồn mà thấy vui khi ước mơ của mình thành hiện thực.
Năm 2017, khi tôi đang xây toà nhà Artemis, nghe tin mẹ vào viện, tôi bỏ hết công việc bay từ Hà nội vào với Mẹ. Những ngày cuối cùng bên mẹ, tại khoa chăm sóc đặc biệt-BVQTTWH với những dịch vụ tốt nhất cùng một người bạn-1 lãnh đạo cao cấp của BVTWH trực tiếp chỉ đạo và chăm sóc bà trở thành dấu ấn trong trái tim tôi. Nhiều đêm trong giấc mơ, nước mắt tôi lăn dài khi hình ảnh mẹ hiện lên bên giường bệnh trong BVQTTWH và sau này tôi đã viết bài hát: Về bên mẹ (Tùng dương).
Nhiều lần về Huế, tôi nói lái xe chạy ngang BVQTH, mở cửa xe và ngắm nhìn dáng hình BVQTTWH. Những làn gió mát từ sông Hương thổi lên dìu dịu:
Mình đã làm được 1 việc dù không có lợi cho mình nhưng có lợi cho xã hội.
Thời gian qua, nền y tế nước nhà xuống cấp, nhiều gia đình có điều kiện và quan chức ra nước ngoài khám và chữa bệnh. Gia đình tôi cũng sang Nhật khám bệnh. Được tiếp xúc với nền y tế hiện đại tại 1 bệnh viện lớn sạch sẽ, nhân viên tận tình như khách sạn ở Tokyo, tôi cứ xuýt xoa và ước ao: Ước gì đất nước tôi có những bệnh viện cao cấp, chất lượng về chuyên môn và dich vụ… để người dân và lãnh đạo nước tôi, được khám và chữa bệnh mà không phải tốn kém ra nước ngoài. Ước gì người nghèo nước tôi có đủ tiền để khám và chữa bệnh. Ước gì tuổi thọ của người dân Việt nam tăng lên và đạt 86 tuổi như người Nhật, người Úc. Ước gì các Bệnh viện có đủ kinh phí để mua máy móc thiết bị, thuốc men, lương của các Bác sỹ ở mức khá đủ để trang trải cuộc sống, môi trường làm việc lành mạnh để ngọn lửa niền tin và tình yêu nghề nghiệp cháy lên phục vụ người bệnh. Ước gì các BV không phải đóng cửa…
Ước gì… những nỗi niềm cứ trăn trở.
LTM.