NHỮNG MIỀN ĐẤT THÁNH – PHẦN I

0
118

Nào, tạm gác lại những bộn bề công việc để đến những miền đất lịch sử.

PHẦN 1: NHẬT KÝ BÊN SÔNG NILE

Ngày 22/4/2023
Chuyến bay từ HCM- Dubai- Cairo của hãng Emirates Airlines đưa chúng tôi đến TP Cairo vào sáng 22/4/2023. Cảm nhận đầu tiên của chúng tôi khi nhìn từ trên cao xuống là TP rất xấu, đường xá cong queo, quy hoạch xấu và những ngôi nhà có kiến trúc rất xấu, cây xanh ít… Vậy mà hàng ngày vẫn có trên 10.000 khách du lịch đổ về đây.
Nào bắt đầu khám phá Ai cập từ thủ đô Cairo.

Về khách sạn, sau buổi ăn trưa ngoài phố, chúng tôi đi thăm một nhà thờ cổ 1600 năm tuổi. Nhà thờ treo Hanging Church được xây dựng vào những năm 400 sau CN ( 400 AD) trên nền một đền thờ đổ nát cũ. Những người xây dựng nhà thờ để những lỗ hổng để từ trên nền của nhà thờ Hanging Church khách tham quan có thể nhìn sâu phía dưới chân là nền nhà của công trình cũ. Hanging Church thật sự là một nhà thờ thiên chúa rất cổ, những cột đá, nét khắc, kiến trúc cổ và đặc biệt ở đây có những báu vật: Xương của những cha cố có công được bọc trong tấm thảm đỏ và để trong lồng kính. Nhiều con chiên đến đây sờ tay vào các lồng kính đó rồi vuốt lên đầu tỏ sự kính trọng và cầu may. Chúng tôi đứng lặng và ngắm bản đồ nơi chúa đã đến và con đường từ Cairo tới Jelusalem vòng ra biể rồi lại trở về Cairo.
Người hướng dẫn viên Mahomet, một thành viên của đạo hồi hỏi tôi:
– Ông theo đạo nào
– Tôi không theo đạo nào nhưng tôi tôn trọng tất cả các đạo chính thống
Mahomet nhướng mắt nhìn tôi
– Vì tất cả các đạo chính thống đều có 1 mục đích làm cho người dân được hạnh phúc.
– Ông thật tốt bụng, tôi theo đạo hồi và tôi cũng nghĩ như vậy. Mahomet cười hở hàm răng bị mất vài cái ở hàm dưới…
Chúng tôi trở về khách sạn, con đường đông nghịt, hàng trăm ngàn thanh niêm đổ ra đường, chủ yếu là nam giới, đàn ông. Một số ít là phụ nữ đeo mạng, người thì che kín mặt, người thì không che mặt…Mahomet giải thích:
– Hôm nay đông người vì vừa xong một lễ hội.
Về khách sạn, chúng tôi gặp những người bạn đi từ Mỹ đến, hội tụ và kéo nhau ăn tối tại một nhà hàng Italia. Chỉ vài cốc bia, vài ly rượu vang là thấm mệt sau 1 ngày đi dài…

Ngày 23/4/2023

3h30 sáng, tôi thức giấc sau những hồi chuông điện thoại dài. Nhìn vào điện thoại mới biết 3h30 sáng là 8h30 tại VN, giờ mà mọi người gọi điện cho tôi. Trả lời 1 vài câu, rồi ngủ tiếp nhưng cũng chỉ tới 5h30 là không ngủ được. Mở cửa bước ra ban công, dòng sông Nile buổi sáng thật dễ chịu, những làn gió từ dưới sông thổi lên mát dịu.
8h sáng, đoàn tập trung để đi Bảo tàng Ai cập. Đây quả thật là một pho tàng lịch sử vĩ đại của nhân loại. Bào tàng Ai cập nằm trên quảng trường Tahrir của thủ đô Cairo. Bảo tàng được Chính phủ Ai Cập xây dựng vào năm 1835 gần vườn Ezbekeyah, sau đó chuyển đến thủ đô Cairo vào năm 1855. Bảo tàng chủ yếu làm bằng đá. Phía ngoài là những phiến đá màu đỏ nhạt, Hai bức tượng cổ cách điệu như hai người lính gác trước của Bảo tàng. Bảo tàng 2 tầng chính rộng lớn được phân thành 3 khu: Cổ Vương quốc, Trung Vương quốc và Tân Vương quốc. Ở đây lưu giữ 250.000 hiện vật lịch sử từ nhiều thời kỳ và lâu nhất là 5.000 năn.
Giữa trung tâm tầng 1 là tượng của Pharaon Ramesses III và nữ hoàng. Same, người hướng dẫn viên cho biết:
– Nguyên tắc của vương triều là các Pharaon chỉ được lấy con của các gia đình quyền quý. Tuy nhiên Vị Pharaon này Ramses II đã lấy con gái của thường dân.
– Chắc cô ấy rất đẹp. 1 người trong đoàn hỏi Same, hướng dẫn viên mới
– Chắc là vậy, và sau này, bố vợ của Pharaon trở thành một người quyền lực trong triều, một thầy tế phụ trách việc tế lễ và pháp luật trong triều với nhiếu đóng góp cho triều đình. Xác của bố mẹ vợ được ướp và treo 2 khuôn mặt ở tầng 2.
Có rất nhiều xác ướp và nghệ thuật ướp xác Ai cập là đỉnh cao. Chỉ tay vào 1 cổ vật, Same giải thích:
– Khi ướp xác, người Ai cập trước hết rút não vì não người phân huỷ rất nhanh sau đó đổ nhựa thông cho đầy sọ não. Tiếp đến lấy hết nội tạng, chỉ giữ lại tim vì tim là sự linh thiêng và là vật để sau này các xác ướp hồi sinh. Phần xác sau đó được ướp bằng muối Natron để ngăn phân huỷ của các men tiêu hoá dẫn đến phân huỷ cơ thể người. Còn phần nội tạng, não được bỏ vào 1 cái thùng 4 bên có 4 vị thần đứng gác
Đến khu vực của vua Tutankhamun ( người dân quen gọi là vua Tut), một vị vua được cho là vĩ đại nhất Ai Cập. Vua Tút lên ngôi lúc 9 tuổi trị vì được 10 năm và mất ở tuổi 19. Khi khai quật mộ của ông năm 2001 tại thung lũng các vị vua ở Luxor, các nhà khoa học dùng máy vi tính cắt lớp phân tích và thấy 1 chân ông bị gãy, có thể ông mất do nhiễm trùng và trong người có vi khuẩn sốt rét, cũng có thể ông mất do sốt rét.
Chúng tôi vào khu vực đặc biệt, cấm quay phim, chụp ảnh, nơi có mặt nạ của vua Tut, 1 chiếc quan tài bằng vàng ròng nặng 116 kg chứa thi hài ông, phía trên nắp là mặt nạ của ông. Quan niệm thời đó là người chết sẽ được hồi sinh và vua Tut đã cho làm khuôn mặt của mình trên nắp quan tài để sau khi chết, linh hồn vẫn nhận được khuôn mặt của mình để hồi sinh. 1 chiếc quan tài nhỏ hơn cũng bằng vàng ròng nặng 65 kg là của vợ vua Tut. Trong gian phòng phòng có rất nhiều cổ vật bằng vàng được đúc, chạm trổ rất tinh vi, sắc sảo.
– Vì sao trên đầu Vua Tut và các Pharaon có đầu con chim và con rắn
– Đó là sự thống lĩnh của 2 bộ lạc phương nam và phương Bắc, Same trả lời.
Lời giải thích không làm tôi tin vì các Pharaoh không đơn giản như vậy. Tôi nghĩ: Có lẽ con chim là chim ưng: Biểu hiện của thần Horus, Thần bầu trời và trị vì, bảo vệ người Ai Cập. Còn con rắn chính là rắn hổ mang, chắc chắn không phải là sự độc ác, bóng tối như biểu hiện của thần Apep mà là sự khôn ngoan, sáng tạo, bất tử, là vị thần hộ mạng của vua chúa. Tư duy như vậy sẽ là hợp lý hơn và tôi nghĩ không nên thụ động nghe mọi điều từ hướng dẫn viên.

Same đưa chúng tôi đến xem 1 khối đá đen hình chóp và nói:
– Đây là khối đá rất cứng và dễ vỡ. Các nhà khoa học cho biết: Đến nay, loại đá này không tìm thấy trên trái đất.
Rồi Same chỉ tay vào những nét điêu khắc tinh vi, sắc sảo và nói:
– Những nét vẽ, nét khắc này chỉ có thể thực hiện bằng laser. Nhân loại không hiểu vì sao người Ai Cập cổ lại có thể làm được như vậy.
Xuống tầng 1, Same chỉ tay vào bức tượng đá đầu người, mình và chân sư tử rồi nói:
– Đây là tượng mà Nữ vương Hatshepsut (khoảng 1508-1458 TCN), một nữ vương quyền lực nhất của thế giơi cổ đại Ai cập. Bà là con gái của pharaonThutmosis I, trị vì trong 21 năm với nhiều công lao cho Ai cập. Bà để lại một loạt những công trình và tác phẩm điêu khắc ấn tượng, trong đó có lăng mộ Djeser-Djeseru của bà, một kiệt tác về kiến trúc và bức tượng Nhân sư đầu người minh sư tử. Bà cố tạo ra cho mình 1 phong cách đàn ông, để khuôn mặt đàn ông với bộ râu uy quyền mà chỉ vua chúa mới được để. Con nhân sư mình sư tử, móng vuốt sư tử nằm sát đất đầu ngẩng cao. Một ý chí mãnh liệt, một tuyệt tác nghệ thuật.
Chúng tôi tiếp tục thăm quan những sản phẩm giấy và chữ viết của người Ai cập từ 4.000 năm trước rồi xem bảng chữ cái tượng hình đầu tiên của loài người….

Rời khỏi Bảo tàng, chúng tôi thấy may mắn được đến với nền văn minh cổ đại, một kho tàng vô giá về hiện vật và tinh thần mà không nơi nào trên trái đất so sánh được.

Sau bữa ăn trưa tại 1 nhà hàng Ai cập không rượu bia, Same đưa chúng tôi đi thăm Kim tự tháp Giza, một trong 7 kỳ quan cổ đại duy nhất còn tồn tại ( Ai cập có 2 kỳ quan thế giới cổ đại: Kim tự tháp Giza và ngọn hải đăng Alexandria. Điều đó cho thấy nền kiến trúc, văn hoá cổ Ai cập đạt tới đỉnh cao).
Kim tự tháp Giza được xây vào thế kỷ thứ 26 trước CN (TK 26 BC). Đây là kim tự tháp lớn nhất với 3 kim tự tháp lớn trong đó kim tự tháp lớn nhất có chiều cao 146,6 m ( sau này do chóp bị lở chỉ còn 138,5 m), đáy hình vuông mỗi cạnh 230 m, độ dốc 51,5 độ. Kim tự tháp được xây bởi 2,3 triệu m3 đá nặng 6 tr tấn.
Ngắm nhìn công trình đồ sộ với những khối đá ở trên cao, chúng tôi không hiểu bằng cách nào mà người xưa có thể vận chuyển những tấm đá nặng hàng tấn và chất lên cao hơn trăm mét mà không có cần cẩu. Một đặc biệt nữa là nhìn vào các vì sao mà 4 góc kim tự tháp trùng với 4 phương Đông, Tây, Nam, Bắc, chỉ lệch 3 độ? Có 1 cái gì đó rất đặc biệt cùng nét khắc như laser trên đá…
Loại đá được chọn là đá vôi dễ đục đẽo, Ban đầu các tảng đá vôi được mài nhẵn, đánh bóng nên từ xa độ tương phản rất đẹp, sau nay thời gian lão hoá, mưa bão làm đá vôi bong lở nên tháp bị nham nhở dần và e rằng 1 ngày, sau nhiều năm mưa bão, sói lở sẽ có nhiều tảng đá sút lở dẫn tới việc sút lở của kim tự tháp. Về chuyện này, chắc là chính quyền Ai Cập, UNESCO cũng đã nghĩ tới.
Kim tự tháp đầu tiên được xây dựng trong Vương triều thứ ba bởi Pharaoh Djoser và kiến trúc sư Imhotep. Imhotep là một người toàn tài, ông là kỹ sư[2], kiến trúc sư và bác sĩ đầu tiên trong lịch sử và là Tể tướng của Vua Ai Cập, Đứng đầu hàng sau Vua của Thượng Ai Cập, Đổng lý Đại Cung điện, Quý tộc gia truyền, Thầy tế cao cấp của Heliopolis, Người xây dựng, Trùm thợ mộc, Trùm điêu khắc và trùm phường thợ làm bình…Ông chính là nhân vật trong bộ phim nổi tiếng “Xác ướp Ai cập”
Kim tự tháp Giza được Pharaon Khufu xây dựng cho mình trong 20 năm. Kim tự tháp có 3 phòng trong đó có phòng của vua, phòng Hoàng hậu nhưng sau đó người ta tìm thấy 1 số phòng khác và nhiều quan điểm cho rằng có rất nhiều bí mật mà con người chưa tìm ra trong kim tự tháp Giza.

Chúng tôi ăn tối trên dòng sông Nile, con sông huyền thoại dài nhất thế giới 6.853 km. Con sông gắn với sự phát triển của Ai Cập cổ đại và mang lại cho Ai cập 1 triền đất nông nghiệp giàu có.
Những cơn gió mát rượi dọc theo sông nin tan đi cái nóng hầm hập ban ngày bủa vây chúng tôi. Ai cập cổ thật ấn tượng nhưng thực tế của Ai cập hôm nay khi nhìn lên 2 bờ sông thật buồn thảm: Rất nhiều công trình dở dang và dừng lại, nham nhở…

Ngày 24/4/2023

Sáng 24/4, tôi và con trai ra sân cùng bác Quang, Bác Tùng thể thao một chút. Vào sân golf, một thế giới khác hẳn với thế giới bên ngoài. Ở đây có cây xanh, hoa, đường xá quy hoạch rõ ràng và được thực hiện như 1 resort của Sungroup. Rất đẹp.
7h tee off nhưng chúng tôi phải chờ 7h30 nhân viên mới đến làm việc, không giống như các sân golf ở VN, nhân viên làm việc từ 5h. Giá chơi golf ở đây rất rẻ, chỉ 36 usd/người. Nhân viên quản lý khuyên không tip cho cady vì họ đã có trong 36 usd rồi, thế nhưng chúng tôi vẫn típ.
Sân golf đẹp, những thảm cỏ mượt mà, nền chắc ( không bồng bềnh như 1 số sân ở VN). Cady thì thật tuyệt vời, đọc line, lực chính xác tới ngạc nhiên và hiểu người chơi chỉ sau 2 lỗ. Cả sân golf chỉ thấy 2-3 fly. Kinh doanh thế này thỉ lãi làm sao nhỉ? Chúng tôi đã có 1 trận chơi rất thú vị, nhờ Cady tốt nên kết quả rất tốt.

8h tối, chúng tôi lên tàu hoả đi về thành phố Aswan, một thành phố cổ của Ai cập cổ đại nằm ở phía Nam Ai cập sông Nile, cách Cairo 700 km đường chim bay.
Lại nói về đường chim bay, một lần tôi nói với mọi người
– Nhà anh Võ Tuấn ( Thượng tướng, Phó TTMT QĐND VN) cách nhà em 1,5 km đường chim bay.
– Đường chim bay là sao lúc nó bay phải lúc nó bay trái, bay lùi, biết thế nào mà tính…
Thượng tướng Võ Tuấn đùa. Nhà anh bên kia con sông nhỏ, tôi đã ghé thăm và thêm kính trọng khi thấy anh làm nhà thờ cho ông bà rất chu toàn. Anh là con trai Bác Võ Văn Sung, một nhà cách mạng tiền khởi nghĩa có công lớn với cách mạng. Anh Võ Tuấn là một vị tướng cao cấp, tài năng và hay đùa. Giữa đất nước Ai Cập xa xôi tôi lại chợt nhớ tới anh.
Chuyến tàu hoả làm tôi nhớ lại 33 năm trước, tôi từ Maxcova xuống Xiberi đón vợ. Khi đó tôi đang học năm thứ 2, vợ tôi mang bầu 6 tháng và hết hạn lao động, phải về nước. Vì muốn ở lại với chồng nên vợ tôi xuống Xiberi vừa buôn bán vừa kéo dài thời hạn mang bầu đến tháng thứ 7 ( Luật Nga quy định, phụ nữ mang bầu 7 tháng sẽ không được đi máy bay)… nghĩ lại những ngày tháng gian nan mà xao lòng…

Chuyến tàu bình dân, có phần không sạch sẽ nhưng lại gợi cho tôi những kỷ niệm của thời gian khó, những hình ảnh cứ hiện lên trong tiếng lạch cạch của bánh tàu và giấc ngủ ập đến sau 1 ngày mệt mỏi.

Ngày 25/4/2023

Aswan, một thành Phố cổ của Ai Cập, bên bờ sông Nile có dân số khoảng 275.000 người.

Chúng tôi lên 1 con tàu du lịch trên sông có tên là Magic 1, nơi chúng tôi sẽ ở 3 đêm để cùng lênh đên trên dòng sông Nile rồi xuôi về Cairo để sau đó sẽ bay tới 1 vùng đất mới.
Sau bữa trưa, cả đoàn đến thăm đền Philae thờ nữ thần Isis.
Thần Isis là một trong 9 vị thần vĩ đại của tôn giáo cổ đại Ai cập. là một nữ thần trị vì đất nước khôn ngoan, bảo vệ dân chúng và là một mẫu hình của người vợ tận trung với chồng, phù trợ con cái. Chuyệt kể rằng Khi vua Osiris, chồng của Isis rời Ai Cập để đi khắp thế giới thì Isis thay ông cai trị đất nước. Người em trai là thần Seth cho rằng mình mới xứng đáng là người kế vị ngai vàng. Với lòng đố kỵ, thần Seth đã đưa anh trai vào chỗ chết rồi cho vào 1 chiếc hòm thả trôi trên sông. Nghe tin chồng bị em trai sát hại, thần Isis rất đau buồn. Bà cắt tóc, mặc đồ tang và lên đường tìm xác chồng…Chiếc hòm đựng xác Osiris trôi dạt vào 1 hòn đảo và được 1 cái cây nở nhiều nhánh quấn vào. Nghe tin về cái cây kỳ lạ vua Byblos cho lính chặt và đem về làm mái nhà. Isis cũng nghe được tin và hiểu là chuyện gì. Bà cải trang thành 1 người dân ra chải tóc cho những người hầu của Hoàng hậu và thổi vào tóc họ 1 hương thơm kỳ diệu. Cuối cùng thì Hoàng hậu cũng mời bà vào cung và bà được giao làm vú nuôi cho Hoàng tử. Nhận thấy Hoàng hậu và Hoàng tử là người đức độ, đêm đêm bà đặt Hoàng tử trong ngọn lửa bất tử để tôi luyện còn bà biến thành con chim bay lượn xung quang để bảo vệ. Một đêm Hoàng hậu bước vào thấy con trong ngọn lửa kinh hãi hét lên và Hoàng tử đã mất cơ hội thành Bất tử. Isis kể toàn bộ câu chuyện và thân phận cho Hoàng hậu. Bà thỉnh cầu được xin mấy thân gỗ trên mái nhà để cứu chồng. Hoàng hậu chấp thuận, Isis tìm được xác chồng và đem vào vùng đầm lầy, đi tìm thuốc hồi sinh… Câu chuyện đến tai thần Seth. Seth tìm đến và cho băm xác của Osiris thành 14 mảnh và rải khắp đất nước Ai Cập để không có cơ hội hồi sinh. Đau thương chồng đau thương, Isis lần mò tới mọi nơi tìm từng mảnh xác chồng ghép lại dùng thuốc và quyền năng để hồi sinh lại Osiris. Osiris sống lại nhưng không thể sống ở cõi dương. Thần Ra đã phong cho Osiris làm vua cõi âm. Trước khi xuống cõi âm, họ sinh được thần Horus. Thần Seth truy sát và 2 mẹ con và thần Isis phải lẩn trốn. Rồi 1 ngày có sức mạnh, thần Horus đã đánh nhau với Seth nhưng không phân thắng bại. Nữ thần Isis đã đứng ra giúp con, tố cáo Seth lên Hội đồng các vị thần. Horus trở thành Pharaon thứ 5 và Seth bị đày ra sa mạc…Câu chuyện có tình tiết của đời thường về hình ảnh của 1 người vợ, người mẹ hết lòng vì chồng con và có lẽ vì câu chuyện rất con người này mà người dân Ai cập rất tôn thờ nữ thần Isis.
Chúng tôi lên 1 con tàu nhỏ, rẽ nước đến 1 hòn đảo, nơi có đền thờ nữ thần Isis. Đền thờ là những khối đá rất cổ. Những khối đá chồng lên nhau với nhiều hình điêu khắc chạm trổ hoa văn cổ đại, tinh vi. Những cây cột có kiến trúc thời La mã, hoa văn trên đầu cột là những bông hoa đang nở. Những bức tường được chạm trổ và trang trí bằng những bức phù điêu tinh xảo của nữ thần Isis và hình ảnh của Horus thời thơ ấu. Đây là cảnh Isis ngậm Horus trong đầm lầy, kia là Horus biến thành con chim bay lượn trong đầm lầy… những bức ảnh rất sinh động cho thấy 1 trình độ điêu khắc, chạm trổ đạt tới kỹ xảo rất cao của người Ai cập cổ. Vào trong đền thờ có 3 phòng, 1 phòng của vua, 1 phòng của hoàng hậu… tất cả cũng được trang trí bởi những hình đêu khắc tinh xảo.

Tuy nhiên khi nhìn kỹ ta thấy những phiến đá bị ngấn đen. Rocky, người hướng dẫn viên cho biết: Đền thờ thần Isis trước đây ở 1 hòn đảo khác và đến năm 1906 Chính phủ Ai cập quyết định xây dựng đập Aswan và ngôi đền bị nhấn chìm dưới nước trong 77 năm. Mãi tới năm 1970 UNESCO cùng một số quốc gia giải cứu ngôi đền, tháo dỡ và chuyển từng khối đá dưới nước đến đảo Agilika cao hơn và dựng lại ngôi chùa trong 8 năm để hôm nay nhân loại có 1 ngôi đền tuyệt tác.

Ngày 26/4/2023

Sáng cả đoàn đi thăm quan 1 ngôi đền trong sa mạc Shahara, tôi ở nhà xử lý công việc với Việt nam.
15h, tàu rời bến Aswan xuôi về hướng Luxor. Con tàu chúng tôi đi là loại tàu du lịch trên sông dài khoảng 60 m, rộng khoảng 14 m. Tàu có 4 tầng với khoảng 60 phòng. Trên sông có rất nhiều con tàu như tàu như vậy xuôi ngược như ô tô đi trên đường.
– Có bao nhiêu con tàu như thế này trên sông? Tôi hỏi một nhân viên trên tàu
– Có khoảng 230 con tàu như vậy, người nhân viên trả lời
Vậy có nghĩa là có khoảng gần 14.000 phòng trên quãng đường Aswan-Luxor dài gần 300 km, môt năng lực du lịch rất tốt.
6h tàu đến thị trấn thị trấn Kom Ombo, cách Aswan khoảng 50 km về phía bắc. Chúng tôi lên thăm đền thờ Kom Ombo. Đây là ngôi đền hết sức độc đáo gồm 2 ngôi đền cạnh nhau, chung một lối vào. Một đền thờ thần Sobek, vị thần chịu trách nhiệm về sự màu mỡ của sông Nile, một đền thờ thần Horus. Ngôi đền được xây dựng trong thời kỳ Ptolemaic, bắt đầu từ năm 332 trước Công nguyên ( thời gian này Alexander Đại đế đã chiếm đóng Ai Cập). Đền được xây dựng trên địa điểm của một ngôi đền trước đó và xây trong khoảng 300 năm, với nhiều pharaoh khác nhau, mỗi người bổ sung thêm một số nội dung riêng của mình. Đền Kom Ombo còn là nơi các thầy tu chữa bệnh cho người dân.
Bên cạnh đền Kom Ombo, có một bảo tàng xác ướp cá sấu rất độc đáo
Buổi tối, Tàu tiếp tục hướng về Luxor.

Ngày 27/4/2023

Buổi sớm, khi mặt trời vừa lên, tàu dừng lại thị trấn Edfu, một địa danh nằm giữa Aswan và Luxor, bên bờ sông Nile.
Cả đoàn tập trung đi thăm đền thờ thần Horus. Lần này chúng tôi đi bằng xe ngựa, mỗi xe 3 người. Tôi ngồi trước cùng ông lão xà ích già nua, khắc khổ. Chiếc xe ngự lọc cọc trên con đường trong nắng sớm thật thú vị. Tôi bắt chuyện bằng tiếng Anh, ông lão vừa nói bằng miệng, vừa nói bằng tay cuối cùng thì tôi cũng hiểu và tạm diễn gải như sau:
– Tôi là: Mustafa ( Mustafa, Mustafa lão lấy tay chỉ vào ngực mình).
– Tôi có 5 con trai ( lão chỉ vào phía chim lão và dơ 5 ngón tay), 2 con gái ( lão úp bàn tay lên ngực và dơ 2 ngón tay),
Rồi Lão nói:
– Tôi đã 62 tuổi ( Lão xoè 2 bàn tay ra hiệu 6 lần rồi dơ tiếp 2 ngón tay). Tôi ngạc nhiên nhìn Lão, trời sao mà già đến thế. Hình như hiểu ý tôi Lão nói:
– Tôi nghèo, làm nhiều thiếu ngủ và thiếu ăn ( Lão chỉ ngón tay vào mặt, hóp má, nhắm mắt lắc đầu rồi lấy tay chỉ vào miệng tóp tép rồ lắc đầu).
Ồ hoá ra thì chữ tượng hình của Ai cập cũng dễ học và tôi hiểu khá nhanh.
Tôi nói với Mustafa
– Tôi 64 tuổi rồi, hơn chú 2 tuổi ( tôi cũng xoè 2 bàn tay dơ lên 6 lần rồi đưa 4 ngón tay lên)
Lão nhìn tôi hồi lâu ngạc nhiên và hỏi lại
– Ông 64 tuổi rồi à ( lão chỉ tôi và xoè 2 bàn tay dơ lên 6 lần rồi đưa 4 ngón tay lên). Thấy tôi gật đầu, lão tuôn 1 tràng Ai cập ( chắc là nghi ngờ tuổi của tôi)
– Chú ít hơn anh 2 tuổi mà sao già thế, râu bạc, răng rụng.
Tôi trêu Mustafa bằng tiếng Việt, hình như Lão cảm nhận được và gật đầu 1 cách đau khổ
– Bây giờ 2 con tôi 1 con trai đã lấy vợ và 1 con gái đã lấy chồng, nhà không đủ ăn ( lão chỉ vào chim lão và dơ 1 ngón tay rồi ra hiệu đeo nhẫn ở ngón tay áp út rồi đưa 2 bàn tay úp lên ngực và dơ 1 ngón tay rồi ra hiệu đeo nhẫn ở ngón tay áp út rồi lại đưa ngón tay chỉ vào mồm tóp tép và lắc đầu)…
Thương lão nên chúng tôi tip cho Lão nhiều hơn so với lời dặn của Rocky.
Đền thờ thần Horus có diện tích khá rộng, trang nghiêm. Đến đây tôi mới chợt nhận ra, tất cả các đền thờ ai cập đều được xây phía trước 2 bức tường cao, trên 2 bức tường là những hình ảnh điêu khắc nhân vật chính liên quan tới ngôi đền.
Tại đền thờ thần Horus, trên bức tường bên ngoài có 3 bức phù điêu: bức bên trái là phù điêu của nhà vua đang chặt đầu kẻ thù. Bức thứ 2 ở giữa là thần Horus và bức thứ 3 sát cổng vào là thần Isis đứng phía sau và phù hộ cho con trai Horus.
Trước sự hoang tàng không thờ cúng của các đền thờ có những vị thần thiêng liêng 1 thời, tôi chợt nhận ra: đã xảy ra quá trình sụp đổ của tôn giáo thánh thần và thay thế bằng một tôn giáo khác.
12h30, chúng tôi lên sân thượng, theo dõi con tàu tiến vào âu tàu để hạ mực nước xuống 7m và chuyển sang phần sông hạ nguồn con sông Nile.
Vì sao trên dòng sông này lại có con đập ngăn nước và phân cách 2 miền hạ lưu và thượng lưu với mực nước chênh lệch tới 7m? Tôi không tìm ra tài liệu viết về điều này và nghĩ: Người Ai cập xây con đập này có lẽ để ngăn lũ và giữ nước tưới tiêu cho những cánh đồng có chiều dài gần 7.000 km. Ngoài ra người Ai cập đã xây 2 âu thuyền để lưu thông tàu bè.
Âu thuyền dài khoảng 220 m, rộng khoảng 18 m chứa cùng 1 lúc 2 tàu lớn. Khi 2 con tàu đã vào trong Âu thuyền, người ta cho đóng cánh cổng phía sau tàu dưới nước để ngăn dòng chảy, Khi đã đóng kín họ cho mở cánh cửa đầu ra để nước chảy ra ( hạ tàu xuống) hoặc chảy vào ( nâng tàu lên). Khi mặt nước trong âu thuyền cân bằng với mặt nước phía trước, con tàu sẽ được phép ra khỏi âu tàu và tiếp tục hành trình.
Thật kinh ngạc khi thấy mực nước rút xuống 7 m với 1 khối lượng khổng lồ, khoảng 28.000 m3 ( 7 x 18 x220) chỉ trong 15 phút để tàu tiếp tục lưu hành. Lại nhớ tới lời của Lão tử: Những thứ yếu mềm lại có sức mạnh to lớn.
Con tàu tiếp tục xuôn về hạ lưu, đến 4h thì đế Thành phố Luxor, một thành phố vô cùng nổi tiếng của Ai cập. Người hướng dẫn viên cho biết trong hơn 10.000 người đến thăm quan Ai cập trong ngày thì phần lớn mọi người đều đến thành phố Luxor huyền diệu này.
Không phải ngẫu nhiên mà các vua chúa chọn vùng đất này để xây dựng lăng mộ cho mình.
Luxor nằm bên bờ sông Nile, một miền đất trù phú, cây cối tươi xanh đầy sức sống. Nhà cửa ở đây cũng đẹp hơn và quy củ hơn ở Cairo. Luxor có dân số khoảng 500.000 người (nội thành) và khoảng 1,5 tr người ( Ngoại thành)
Tiếp tục hành trình, chúng tôi đến thăm đền thờ Luxor của vua Vua Ramses II, một vị vua sống 92 tuổi, có 58 vợ 200 người con và bồ nhiều vô kể. Ông là người có ảnh hưởng lớn tới nền văn minh Ai cập . Đây là 1 trong 5 đền thờ của ông và có lẽ là đền thờ lớn nhất. Vẫn những hàng cột, những bức phù điêu quen thuộc, đền thờ Luxor uy nghiêm, quyền quý bên dòng sông Nile.
Cũng như những công trình lớn khác, thời gian xây dựng công trình này rất lâu, từ 20 năm đến 300 năm, từ đời vua này sang đời vua khác và do đó sẽ có những thay đổi, pha trộn và sự thờ phụng chung của người trước, người sau.
Đền thờ Luxor xây dựng trong hàng trăm năm và thờ phụng 3 nền văn minh: Hi lạp, La mã và Ai cập. Những bức điêu khắc màu vẫn tồn tại trên tường. Cũng như những ngôi đền khác, đền thờ Luxor được xây dựng bên bờ sông Nile và cũng chịu ảnh hưởng của những trận lũ lụt. Những cơn lũ, những dòng nước tưởng là mềm mại đã làm sập và phá hỏng rất nhiều tượng đá, những bức tường điêu khắc…
Rocky, người hướng dẫn viên giải thích cho chúng tôi những điểm quan trọng, rồi anh chỉ 1 bức phù điêu trên tường: Búc phù điêu vẽ tấm hình 1 chàng trai có 1 chân, 1 tay và 1 cai cu quá cỡ, hiên ngang ngẩng cao. Rocky bắt đầu câu chuyện:
Khi cuộc chiến với Irac xảy ra, vua Ramses II huy động hết tất cả thanh thiếu niên ra trận và chỉ để lại 1 cậu bé 9 tuổi. Cuộc chiến với Irac kéo dài, cậu bé lớn lên và do nhu cầu thực tế của các bà, các chị… cậu bé mỗi ngày phải ngủ với 40-60 người phụ nữ và tất cả phụ nữ đều mang bầu. vua Ramses II chiến thắng trở về và nổi giận, ra lệnh chặt 1 chân, 1 tay của cậu bé rồi vứt ra ngoài đường. Vài ngày sau cậu bé chết. Những người lính được trở về với gia đình, vợ con nhưng kỳ lạ, nhiều năm sau các bà vợ không thể có bầu. Đến lúc này vua Ramses II chợt nhận ra có lẽ đó là 1 vị thần đã giúp cho ông bổ sung quân số và làm cho dân của ông hạnh phúc. Nhà vua lập đền thờ ông, phụ nữ Ai cập tiếc thương và đặt tên cho vị thần có 2.000 con là thần Min, thần của sinh đẻ và hạnh phúc và mùa màng. Ngày nay người ta tạc tượng 1 vị thần chỉ có 1 chân và 1 tay và 1 cái chim thẳng đứng to quá cỡ như 1 cái “chân”, bức tượng này bán rất chạy. Tại đền thờ Luxor rất nhiều phụ nữ tới sờ và “chân” tượng thần Mint mong có con hoặc mong cho người chồng có sức khoẻ để có thể đứng lâu.
Ỡ ngôi đền này cũng như ở nhiều ngôi đền khác, chúng tôi tìm thấy những hình ảnh, dấu tích của Alexander đại đế, vị vua vĩ đại đã chinh phục những miền đất với những trận đánh xuất chúng. Chúng tôi lặng lẽ ngắm nhìn bức phù điêu Alexander kính cẩn dâng lễ vật cho thần Min để thấm hiểu một sức mạnh.

Ngày 28/4/2023

Chúng tôi trả phòng và tạm biệt con tàu Magic 1 để đi thăm Thung lũng các vị vua. Đây là chương trình quan trọng của chuyến đi.
Từ thế kỷ 16 BC, thấy việc xây dựng các kim tự tháp kéo dài, tốn kém và nạn cướp lăng mộ ngày càng mạnh, các Pharaoh chuyển hướng xây kim tự tháp bằng xây lăng mộ tại 1 thung lũng đặc biệt của Luxor, bên bờ Tây của sông Nin, đối diện Thebes. Tại thung lũng này, người ta đục đá, đào hầm và chôn các vị vua, các Pharaoh và các gia đình quyền quý dưới các dãy núi rồi lấp lại, dấu tung tích tránh nạn trộm cướp lăng mộ và sự trả thù. Vì sao thung lũng được chọn? trước hết đó là sự trùng điệp, khó phát hiện và khai quật, thứ hai: Các vị vua cho rằng thung lũng này ngập tràn nắng, hướng về bầu trời và được các thần: Thần Ra, thần Amun và thần Horus che chở. Thứ 3: Núi ở đây là đá vôi, dễ đào, dễ tạc và điêu khắc đồng thời hơi nước không ngấm vào để phá huỷ lăng mộ và xác ướp. Thứ 4: Đây là quần thể mà các vị vua cùng nằm.
Lăng mộ của vua chúa được chia thành 2 khu vực. Thung lũng các vị vua ( đã tìm thấy 63 lăng mộ vua) và thung lũng các hoàng hậu ( đã tìm thấy 91 mộ các hoàng hậu).

Chúng tôi đến khu đền của Nữ hoàng Hatshepsut, một nữ vương quyền lực nhất của thế giới Ai cập cổ đại. Có rất nhiều tài liệu khác nhau viết về bà nhưng tôi ghi lại câu chuyện bên ngoài, không có trong Google mà Rocky kể: Hatshepsut (khoảng 1508-1458 TCN) là con gái của pharaonThutmosis I. Ngay từ nhỏ bà là người mạnh mẽ. Vì chế độ vương quyền Ai cập ngày đó bắt mọi người chỉ được lấy nhau trong huyết thống vương quyền. Hatshepsut đã phải lấy vua Thutmosis II, cũng là anh trai hơn mình 40 tuổi khi còn rất trẻ. Bà có 2 người con gái với chồng ( trong tài liệu của Ai cập ghi rằng bà chỉ có 1 con gái với anh trai). Thutmosis II lười biếng, kém ý chí. Do muốn có con trai ông đã lặng lẽ lấy 1 người hầu và sinh ra 1 người con trai tên là Tuthmosis III. Một ngày Hatshepsut biết chuyện đã nói với Thutmosis II rằng: Vua đã già, mà Tuthmosis III còn quá nhỏ nên hãy giao lại quyền lực cho bà để bà thay vua nuôi dạy Tuthmosis III, cai trị đất nước và khi Tuthmosis III lớn lên sẽ giao lại quyền cai trị Ai cập cho Tuthmosis III. Thutmosis II đã đồng ý trao vương quyền cho Hatshepsut. Thutmosis II mất, Hatshepsut càng thể hiện sự mạnh mẽ của mình. Bà đã ăn mặc như nam giới, để râu giả như đàn ông, cư xử mạnh mẽ. Bà đã cho làm tượng nhân sư mình và móng vuốt là sư tử đầu ngẩng cao với gương mặt của bà và bộ râu giả. Khi con trai của chồng, Tuthmosis III lớn lên và đòi Bà trao vương quyền như lời dặn của cha, Hatshepsut đồng ý với 1 yêu cầu: phải lấy con gái của bà. Tuthmosis III nghe lời và dù làm vua vẫn ông vẫn phải nghe theo điều hành của bà. Một ngày Tuthmosis III nói với Bà, phải trao thực quyền cho ông nếu không nhà vua hờ này sẽ thông báo cho mọi người biết về mối quan hệ nam nữ của bà với kiến trúc sư Senenmut, một kiến trúc sư hoàng gia, người quản lý ngân khố của bà, người giữ ấn hoàng gia và là gia sư cho con bà. Không nao núng, bà cho kiến trúc sư Senenmut “biến mất” với thông điệp: không có gì ngăn cản được nữ hoàng Hatshepsut.
Ngay từ khi còn sống, Bà đã cho xây lăng mộ của mình trong thung lũng các vị vua và không chịu xây mộ mình ở thung lũng các hoàng hậu và bà nói rằng: Bà chính là vua

Bà mất ở tuổi 50 do bệnh tiểu đường và ung thư ( theo tài liệu phân tích ADN và cắt lớp vi tính sau này).
Sau khi bà mất Tuthmosis III đã cho xoá bỏ tất cả các hình ảnh của bà trong các đền thờ, lăng mộ của bà, chiếm đoạt thay thế công trình của bà với thông điệp: Không để hình bóng của một phụ nữ phủ lên đế chế Ai cập. Rocky chỉ cho chúng tôi những hình điêu khắc bị cạo, xoá, làm hỏng và làm bẩn hình ảnh của Hatshepsut trên những bức tường thần thánh nhưng điếu đó không xoá đi được hình ảnh của một con người mạnh mẽ đã làm cho Ai cập hùng mạnh từ kinh tế và văn hoá. Hatshepsut im đậm trọng lịch sử Ai Cập và Ai cập cổ đại.

Trong 22 năm trị vì đất nước Hatshepsut đã lãnh đạo Ai cập phát triển, bà mở rộng quan hệ đối ngoại với các nước châu phi, cho đóng 5 con thuyền dài 21m có cột buồm lớn đi thám hiểm những vùng đất xa, dùng vàng đổi lấy những giống cây quý như trầm hương, mua những động vật quý như hươu cao cổ… cho xây dựng nhiều công trình lớn để lại cho đời sau, trong đó nhiều công trình bị các Pharaoh khác chiếm đoạt và biến thành của mình. Thời kỳ cai trị của bà, Ai câp cổ rất giàu có. Khi xây cột Obelisk, lúc đầu bà định làm bằng vàng ( khoảng 32 tấn vàng) nhưng quần thần khuyên bà không nên làm bằng vàng vì sợ nạn cướp lạng mộ sau này. Cuối cùng Hatshepsut đã đồng ý cho làm bằng đá granit đỏ tại Aswans, trên là chóp vàng. Cây cột Obelisk dài 61m, thể hiện sự bất tử và uy quyền của bà.

Một bản khắc trong một hầm mộ đã viết về bà: “…Ai Cập được tạo ra để nỗ lực với sự cung kính dành cho bà, hạt giống tuyệt diệu của thần thánh (Thutmose I)”

Chúng tôi tiếp tục đi dưới cái nắng gay gắt, trong những dãy núi đá vôi để đến các lăng mộ các vị vua trong thung lũng các vị vua
Hầm mộ của vua Tut ( 1341-1323 BC) nhỏ gọn, nằm sâu trong lòng ngọn đồi, khoảng 10 m dưới mặt đất, chỉ 1 cầu thang xuống, bên trái là xác ướp của ông, thân mình được che bằng vải, đầu và chân hở ra với màu khô đen. Bên phải, sâu xuống 2 mét là quan tài bằng đá đỏ dài khoảng 4 m, rộng 2 m, cao 3m. Trong quan tài đá là 1 quan tài bằng gỗ quý và trong quan tài gỗ là quan tài chứa thi thể vua Tut bằng vàng nặng 116 kg như đã nói ở trên.
Nhiều người hỏi: Sao vua Tut vĩ đại như vậy mà hầm mộ của ông nhỏ, gọn, đơn giản không cầu kỳ. Câu trả lời là: Hầm mộ càng dài, càng to càng dễ bị phát hiện.
Có thông tin: Người ta vẫn chở xác ướp của Vua Tut đi các nơi, giới thiệu về văn hoá Ai cập và tính tiền 120 Eur cho mỗi người muốn xem xác ướp của ông.
Vậy là cả khi chết đi ông vẫn có ích cho đất nước mình.
Chúng tôi sang hầm mộ thứ 2 của vua Merneptah (1213-1203 BC). Khác với hầm mộ của vua Tut, hầm mộ vua Merneptah to lớn, trang trí rất đẹp, dọc theo 2 bên tường là những bức phù điêu
Rất đẹp, lối dẫn sâu xuống khoảng 30 m. Mộ vua nằm đối diện với lối đi, cũng lớp ngoài bằng đá, lớp trong là gỗ, chỉ có điều lớp trong cùng có phải là vàng hay không thì phải hỏi các nhà khảo cổ hoặc bọn cướp lăng mộ. Nhiều nhà vua cũng để lớp trong là vàng nhưng khi các nhà cướp học hoặc “ cướp học” phát hiện ra thi xác ướp để lại, quan tài vàng được thay thế bằng quan tài gỗ còn quan tài vàng thì được đưa lên và chuyển hoá thành việc cần hơn. Quan tài bằng vàng của vua Tut còn nguyên vẹn là vì được phát hiện sau bởi các nhà khoa học có tổ chức.
Chúng tôi tiếp tục đi thêm 2 hầm mộ, các hầm mộ nằm cạnh nhau, sâu trong lòng núi đá. Dường như vua chúa các đời muốn ở bên nhau.
Buổi chiều chúng tôi bay lên Cairo để chuẩn bị cho chuyến thăm kênh đào Suez. Hàng không Ai cập vắng vẻ. Tại sân bay Luxor, từ 3h chiều đến 9h tối chỉ có 6 chuyến bay. Sự phục vụ thì phải học hỏi hàng không Viet nam rất nhiều.

LTM.

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here