ĐỪNG ĐỂ MÌNH CHẾT DẦN

0
197

ĐỪNG ĐỂ MÌNH CHẾT DẦN

Một buổi sáng, chúng tôi đến thăm 1 bảo tàng đặc biệt ở Santiago, căn nhà của nhà thơ Pablo Nureda, nhà thơ xuất chúng của Chile với giải thưởng nobel 1971

Căn nhà của ông nằm trên con dốc của 1 con phố nhỏ trong thành phố Santiago. Phía bên ngoài không có gì đặc biệt, 1 cánh cửa to, 1 tấm bảng ghi căn nhà của nhà thơ vĩ đại Pablo Neruda.
Người hướng dẫn đưa cho mỗi người 1 chiếc máy giới thiệu có tai nghe, nhỏ hơn chiếc điện thoại di động nhưng tôi không cần nó vì tôi biết trình độ tiếng anh của mình không đủ. Giao nhiệm vụ cho 3 đứa con: Mỗi đứa phải nghe thật kỹ rồi tổng kết lại cho Ba. Thế rồi tôi bắt đầu mở google, lần theo lối đi để khám phá cuộc đời và tác phẩm của 1 thiên tài.

Pablo Nureda là 1 nhà ngoại giao, 1 chính khách quan trong trong chính quyền Chile những năm 1927-1945. Ông là 1 đảng viên Đảng cộng sản Chile. Do công khai phê phán chính phủ đương nhiệm nên ông bị buộc tội phản quốc và phải trốn sang Mexico sống nhiều năm. Năm 1970 ông về nước và tranh cử tổng thống. Ông là người bạn thân thiết của tổng thống Salvador Allende, một tổng thống có xu hướng cộng sản, thân thiết với Liên xô và Việt nam.

Pablo Nureda làm thơ từ khi 20 tuổi và xuất bản những tập thơ nổi tiếng. Tập thơ Bài ca chung gồm 340 bài thơ. Tập thơ bán rất chạy và được coi là 1 kiệt tác của ông. Ông là 1 nhà thơ có tính triết lý cao, tính chiến đấu cao, lý tưởng cao, có ảnh hưởng rất lớn tới các dân tộc có ngôn ngữ Tây Ban Nha. Ông được đánh giá là nhà thơ hàng đầu của TK 20. Thơ của ông được người Việt những năm trước và sau chiến tranh yêu thích. Bài thơ En Vietnam ( Ở Việt nam ) của ông nói về cuộc tấn công bằng B52 của Mỹ vào những người dân thường còn bỏng cháy đến bây giờ:


Người mẹ nuôi đứa con thơ
trong đất bùn ẩn giấu
Người mẹ ngủ trong hang,
còn chiến tranh lan tràn bằng lửa cháy
và những người chết ở đấy
là người mẹ cùng với đứa con.
Họ đã chết trong bùn.
Và những người mẹ và đứa con chết trong bùn cũng chẳng hiểu tại vì đâu mà họ chết…Chiến tranh là như vậy và:
Chính những kẻ
giết người này
sẽ đến giết tôi và bạn

Những vần thơ lửa cháy của ông đã dục dã đồng bào của ông, dục dã cả châu Mỹ la tinh và những người yêu chuộng hoà bình trên thế giới đấu tranh dành tự do và độc lập.
Năm 1971 ông được trao giải Nobel

Chúng tôi bước vào căn nhà của ông, 1 khu vườn nhỏ nhiều tầng vươn theo sườn dốc nằm chính giữa. Khu vườn xinh đẹp có những cây leo xanh tốt, có bậc thang vươn lên khu vườn phía trên Bên trái là 1 căn nhà 2 tầng bề dài khoảng 16 m bề ngang khoảng 6 m. Tầng dưới là phòng khách giản đơn, 1 bộ sopha đỏ, mấy chiếc gế gỗ đỏ 1 cái bàn và 1 bar rượu. Trên trường treo nhiều bức tranh có những đàn ngựa, phía dưới là những bức tượng gỗ của thổ dân tai dài vú nhọn, bụng chửa…Phòng ăn cũng nằm ở tầng dưới với 1 bàn ăn dài, hẹp khoảng 10 chỗ ngồi, những chiếc đĩa được bày sẵn như đang chờ khách với tấm lòng hào hiệp của nhà thơ. Trên tường treo nhiều tranh tĩnh vật và cũng có rất nhiều tượng gỗ của thổ dân tai dài vú nhọn, bụng to… Theo chiếc cầu thang nhỏ xoắn ốc, chúng tôi leo lên tầng 2, nơi ngủ của vợ chồng ông. Trước khi vào phòng ngủ là 1 phòng làm việc, 1 chiếc bàn nhỏ, 1 bức tranh về biển với 2 con thuyền buồm trước những ngọn sóng. Pablo Nureda là người rất yêu biển, có lẽ sự rộng lượng, manh mẽ và cũng là dịu êm của biển ngấm vào ông thành những vần thơ có sức mạnh ở nhiều cung bậc. 1 khoảng đệm trước khi vào phòng ngủ của ông có treo tấm hình của người phụ nữ rất đẹp. Matilde Urrutia Cerda là vợ thứ ba của ông, Bà là người phụ nữ đầu tiên ở Mỹ Latinh làm việc như một nhà trị liệu nhi khoa. Họ gặp nhau tại Santiago năm 1946 và tình yêu bí mật đã diễn ra trong 6 năm và Neruda đã mua căn nhà này và đặt tên “La Chascona” dành cho tình yêu bí mật. 1 bức tranh Urritia 2 mặt với mái tóc dài đỏ được ông rất yêu thích với nghĩa: Mặt bên trái là của công chúng, mặt bên phải là dành cho ông và nếu nhìn kỹ sẽ thấy khuôn mặt và sống mũi của ông chính là các gợn tóc của bà, những song sắt cũng được ông lồng tên của 2 người…. Urrutia thật sự là nguồn cảm hứng để Neruda viết 100 bài thơ tình tặng bà. Do Neruda là 1 đảng viên cộng sản và do thân cận với Salvador nên chính phủ Augusto Pinochet đã tìm cách trấn áp 2 vợ chồng. Khi Neruda chết, các tác phẩm của ông bị cấm lưu truyền, đám tang của ông bị cản trở nhưng những người dân Chile đã nổi loạn và đám tang của ông là đám tang lớn nhất. Sau cái chết của Neruda, Urrutia đã về lại căn nhà, khôi phục và biến nó thành một bảo tàng dành cho ông và bà ở đó trông nom căn nhà, di sản của ông, đấu tranh để những cuốn sách của ông trở về với người dân Chile … cho đến khi bà nhắm mắt để trở về với ông.

Bước ra ngoài là tầng đất thứ 2, tầng trên của khu vườn. 1 căn nhà nhỏ dành để ngồi chơi và uống rượu, cách 1 đoạn là 2 chiếc ghế ngoài trời để ông thư dãn, 1 khu nhà thứ 3 mà gian đầu là 1 Bar rượu với những chai rượu vang đỏ. Kế tiếp là 1 gian nhà rộng, ở đây trưng bày những cuốn sách, những tác phẩm của ông, những bài thơ, trang thơ viết dở và 1 bàn làm việc. Đây thật sự là nơi làm việc của ông. Căn phòng bên phải là căn phòng cuối cùng của căn nhà. Urrutia đã sắp xếp ngay ngắn những cuốn sách, những tấm huân, huy chương của ông trong đó có 1 tấm huân chương hình Lenin. Là 1 đảng viên cộng sản, ông yêu quý Lenin nhưng lại không thich Stalin. Bên trên bức tường là những tấm ảnh về đám tang của ông với đông nghịt người dân Santiago thương tiếc đưa tiễn…
Tài sản cả cuộc đời ông chỉ là mấy cuốn sách, vài miếng đồng và 1 tình yêu sâu nặng…

Ra khỏi căn phòng, nhìn lên bầu trời qua những kẽ lá của khu vườn xinh đẹp, tôi lẩm nhẩm những ý thơ của ông:

“Tình yêu thì quá ngắn mà sự lãng quên thì quá dài.”

Và quả thật, nhân loại lãng quên ông quá dài.

Chuyến viếng thăm nơi ở và tâm hồn của nhà thơ Pablo Nureda đã cho tôi cảm xúc phỏng dịch lại 1 bài thơ của ông (xin phép nhà thơ được chỉnh 1 số ý cho phù hợp với VN)

ĐỪNG ĐỂ MÌNH CHẾT DẦN

( Phỏng dịch bài thơ của Pablo Neruda, nhà thơ Chile ( 1904-1974), giải thưởng Nobel văn học 1971, trên nền dịch của Thân Trọng Sơn.)

Sẽ là đang chết dần
Những người không du lịch
Những người không đọc sách
Chẳng nghe nhạc bao giờ
Dù đôi mắt vẫn mở
Không biết nhìn nơi đâu

Sẽ là đang chết dần
Người không còn tự ái
Sống không vì đồng loại
Chẳng cần ai bên mình.

Sẽ là đang chết dần
Người nô lệ tập quán
Chỉ quanh năm suốt Tháng
Đi theo con đường mòn.

Khi mục tiêu đã chọn
Họ chẳng muốn đổi thay
Quần áo mặc hàng ngày
Không hề thay màu sắc.
Với những người mới gặp
Họ không muốn chân tình

Sẽ là đang chết dần
Người không còn đam mê
Không cuốn theo cảm xúc
Cho mắt ngời hạnh phúc
Để lòng bớt thương đau.

Sẽ là đang chết dần
Người không biết thích nghi
Mặc dòng đời xuôi ngược
Gian nan chẳng dám bước
Tình yêu không hết mình
Chẳng đau khổ vì tình
Để biết tròn hạnh phúc.

Những người chưa có được
Thành công của cuộc đời
Nhưng chẳng dám nghe lời
Của những người đi trước.

Nào hãy bừng tỉnh giấc
Hãy sống cho chính mình
Con tim rung nhịp đập
Hành động đừng phân vân
Đừng để mình chết dần
Trước bao nguồn cảm xúc.

Santiago – Chile ngày 15/3/2020
LTM

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here