VĨNH BIỆT THẦY, VĨNH BIỆT VIỆN SỸ- VIỆN HÀN LÂM LIÊN BANG NGA MARINA EVGHENHIEVNA TRIGUBENCO

0
308

Sau trận golf chiều CN, tôi về ăn tối mừng sinh nhật cậu con trai. Mới được vài phút, chuông điện thoại reo, nhìn máy thấy số của chị Hà, linh cảm bồn chồn, chắc có chuyện không lành với Bà Marina Trigubenco rồi.

– Minh à, chị nói chuyện được không? Giọng chị Hà xúc động
– Dạ được chị. Tôi lắng nghe
– Bà Marina mất rồi Minh ạ.
– Vậy hả chị? Bà mất khi nào vậy chị?
– Hôm qua em ạ
Biết là điều này sẽ đến một ngày nhưng vẫn là đột ngột. Tôi lặng im, 2 đứa con nhìn tôi và hỏi:
– Sao vậy Ba
– Bà Marina, cô giáo hướng dẫn luận văn PTS của Ba mất rồi.
Tất cả lặng im. Các cháu cũng đã biết tới bà Marina qua những lần tôi kể và tôi đã đưa Thuỳ Linh và Khánh Linh đến thăm Bà vào những năm 1993-1994 khi các cháu một đứa mới 2 tuổi, 1 đứa mới 4 tuổi, nhưng bây giờ thì các cháu không còn nhớ.

Năm 1992, tôi được Viện hàn lâm Liên bang Nga ( RAN) tiếp nhận làm luận văn PTS.
Thật là vui khi gặp lại những người bạn, những người anh cùng học tại trường ĐHTH HN, hội tụ về DOM 5 làm nghiên cứu sinh như Nguyễn Quang Thuấn, Nguyễn Minh Phong và anh NXT… Chúng tôi cùng vật lộn với tiếng Nga, cùng lao động, buôn bán để có tiền cho cuộc sống và học tập. Có thể nói đó là những năm tháng gian nan nhất, thách thức nhất và cũng là đắng cay nhất của cuộc đời. Mọi giá trị đều bấp bênh, khi mà hình tượng XHCN bị tan vỡ, pháp luật và niềm tin ở mức thấp nhất…

Cô Marina Trigubenco- Viện sỹ Viện hàn lâm liên bang Nga, Viện trưởng viện kinh tế thế giới là người trực tiếp hướng dẫn tôi. Đề tài của tôi là: Những lợi ich kinh tế, mối quan hệ và động lực phát triển nền kinh tế Việt nam thời kỳ sau chiến tranh. Một đề tài dễ đụng chạm, ít tài liệu nhưng Bà Marina là người Hiểu VN rất rõ, Bà thẳng tay gạch những đoạn không hài lòng và sửa rất nhiều lỗi ngữ pháp, văn phong…

Bảo vệ xong, có lẽ sợ tôi không đủ tiền sống, Bà nhận tôi làm cộng tác viên của Viện. Tôi được phân 1 chỗ làm việc và có lương. Tháng đầu tiên nhận lương, tôi đưa hết cho vợ với 1 sự trân trọng vô cùng… và thời đó có việc làm, có lương ở 1 viện khoa học tại Nga thật là hiếm… Chị Hà khi ấy cũng là 1 cộng tác viên của Viện đến chúc mừng tôi và nói:
– Em thật may mắn
Rồi 1 hôm tôi quyết định nói với Bà xin thôi cộng tác viên và rẽ sang con đường kinh doanh. Bà không quá ngạc nhiên vì biết tôi đang kinh doanh nhưng bà hỏi:
– Anh có thể vừa kinh doanh, vừa nhiên cứu mà.
Biết là Bà sẽ tạo điều kiện nhưng tôi dứt khoát:
– Như vậy sẽ không nghiêm túc và sẽ không thành công được ở lĩnh vực nào.
Bà lặng im nhìn tôi 1 lúc rồi đồng ý. Cái nhìn rất độ lượng, bao dung và rất Nga.

Tuy không còn là cộng tác viên của Viện nhưng tôi quan hệ với Bà gần gũi và thân thiết. Chồng bà, ông Potapev Stanhislav, một sỹ quan hồng quân liên xô tham gia giải phóng Berlin cùng hợp tác và giúp tôi trong việc kinh doanh. Ông thật sự là 1 người bản lĩnh. Chúng tôi đến nhà riêng thăm ông bà nhiều lần và có lần tôi đưa cả Thuỳ Linh- Khánh linh đến.

Năm 1995 tôi đến thăm bà và báo với Bà chúng tôi phải về VN. Bà ngạc nhiên và hỏi:
– Sao lại về, ở đây đang tốt mà
– Dạ, đến lúc em phải về rồi.
Bà lại nhìn tôi…Tôi tặng bà 2 bức tranh sơn mài về cô gái Việt nam mặc áo dài và chùa một cột. Bà rất thích và nói: tôi sẽ treo nó lên chỗ này, gần bức tranh của ông Phan Văn Khải và ông Võ Đại Lược để sau này nhìn vào tôi sẽ nhớ LTM, lúc nào bà cũng gọi tôi với tên họ đầy đủ và trân trọng.

Chúng tôi xa bà và ít liên lạc với Bà, chỉ có chị Hà hàng năm liên lạc với Bà. Bà rất thương yêu chị Hà và Chị Hà cũng rất thương yêu Bà. Chị Hà về VN trước tôi 1 chút và đảm nhận vị trí: Trưởng đại diện của Viện hàn lâm, khu vực phía Nam.

Khoảng năm 1998 bà sang thăm VN ( Bà là cố vấn cao cấp của Thử tướng Phan Văn Khải và chính phủ VN, là người thầy của rất nhiều các nhà khoa học lý luận VN. Bà được Chính phủ VN tặng thưởng huân chương hữu nghị) và Bà cùng các nhà khoa học Nga về Vũng tàu thăm tôi. Bà hỏi rất nhiều về công việc của tôi, về góc nhìn của Doanh nghiệp về nền kinh tế VN… Đây là phương pháp mà PGS/TS Võ Đại Lược cũng thường làm.
Thời gian trôi nhanh, thông tin về Bà chập chờn vì nhiều lần chị Hà gọi điện, gửi thư cho Bà không được…

Tháng 8/2019 tôi sang Nga và quyết tâm tìm bằng được người thầy của mình. Qua rất nhiều, rất nhiều thông tin tôi đã tìm về lại nhà Bà trước giờ ra sân bay về nước.
Đứng trước toà nhà chung cư được xây theo lối kiến trúc mấy chục năm về trước mà lòng đầy xao xuyến. Đón chúng tôi là Tanhia, cô cháu ngoại của Bà. Gặp lại Bà sau 21 năm thật là xúc động. Bà đã già đi rất nhiều nhưng vẫn còn minh mẫn. Bà kể ông Potapev đã mất cả chục năm về trước, 1 mình bà cô quạnh sống với cô cháu ngoại Tanhia, có đồng nào là chắt chiu cho cháu. Dường như tất cả tình thương còn lại Bà dành cho Tanhia.
Rồi bà nói:
– Nào, LTM nói cho tôi nghe thật cụ thể cuộc sống, công việc thế nào?
Bà nghe rất chăm chú và chỉ cho tôi phía bức tường treo nhiều kỷ niệm:
– Bức tranh của LTM ở kia
Thật là xúc động. Tôi tặng cho bà chút quà và cuốn sách. Bà không chú ý nhiều về 2 cái phong bì mà tôi và chị Hà tặng nhưng lại rất chú ý tới cuốn sách. Bà dở từng trang, ánh mắt bà sáng lên khi nhình những bài hát bằng tiếng Nga được dịch sang tiếng Việt rồi lẩm nhẩm hát theo…và đề nghị chụp ảnh với cuốn sách và tôi…Xé 1 tờ giấy Bà ghi lại địa chỉ của mìnhvà dặn:
– LTM giữ lấy và đừng quên địa chỉ nhé,
Nhìn bà tay run run của người thầy tuổi gần 90 sống trong cô quạnh mà xót xa.

Rồi cũng đến lúc chia tay. Tôi ôm chặt vai người thầy yêu quý lòng đầy xúc động và không biết có còn được gặp lại Bà nữa không?

Tôi lên xe ra sân bay về nước. Những hàng bạch dương vút qua cửa xe thân thương, những tia nắng đang nhuộm vàng cánh rừng nươc Nga. Làn gió mùa thu se se lạnh trong lòng.

Và hôm nay, Bà đã ra đi.
Chị Hà nói:
– Nếu có máy bay, chị sẽ sang với Bà.
Con, cháu của Bà đều biết: chị Hà, Võ Đại Lược, LTM… nhưng có lẽ họ không hiểu hết vì sao các lớp học sinh VN của bà, các nhà khoa học lý luận VN lại yêu quý Bà như vậy.

Tôi gọi điện cho Tanhia mẹ- con gái của Bà, hỏi han, chia buồn và mong muốn các học trò của Bà cùng tham gia xây mộ cho Bà vì con của Bà cũng rất nghèo sợ sẽ không chu toàn cho sự ra đi của Bà..
Tôi lặng nhìn các cháu, Tôi đề nghị:
– Nào các con, cụng ly để vĩnh biệt Bà Marina Trigubenco, một người thầy của Ba.

Một lần nữa xin xĩnh biệt Viện sỹ Marina Trigubenco, một người thầy nhân hậu, một người bạn lớn của nhân dân VN, một người Nga chân chính.

LTM

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here