VÀO HANG CỌP

0
150

VÀO HANG CỌP

Du lịch cảm giác mạnh là một loại hình không phải ai cũng thích.
Năm 2010, gia đình tôi cùng gia đình anh Lê Kiên Thành và vài người bạn đi du lịch Châu phi. Chúng tôi đã có những ngày sống giữa rừng già, ngủ giữa những bầy thú hoang và chỉ cách lũ Hà mã, voi rừng, khỉ đột và lợn lòi 1 bức tường bằng vải bạt. Đêm nằm nghe thú rừng sột soạt sát bên mà thấy lạnh…Và buổi sáng leo lên xe đặc chủng lao vào giữa những cánh đồng cỏ tranh bạt ngàn đi tìm tê giác, báo và sư tử với 1 mệnh lệnh của lái xe: Cấm bước xuống đất vì từ bất kỳ bụi cây, lùm cỏ nào cũng có thể bất ngờ xông ra những con thú có thể cắn xé bạn…và cảm giác rời rợn khi tôi đang ngồi trên thành xe, 1 chú báo Châu phi có tốc độ trên 200 km/m đi thắng tới xe, cái đầu nó sát bên lưng tôi chưa đầy 1 m. Tôi ngồi yên không dám tụt người vào xe… và tất nhiên vợ tôi cằn nhằn nhiều ngày nhất là khi tài xế kể: 1 gia đình Đức đi 2 xe, thấy con sư tử đang xé xác 1 con linh dương cách xa khoảng 50 m. Người bố quay phim và bất chấp ngăn cản của lái xe, từ từ bước xuống quay và xa dần xe 1 chút, 1 chút… Vút 1 cái, như 1 tia chớp, 1 con sư tử nấp sẵn từ 1 bụi cỏ rất thấp, không ai có thể ngờ Sư tử có thể nép mình thấp như vậy, phóng ra xé xác người bố trong tiếng gào thét của vợ con và bạn bè…Hình ảnh được Truyền hình Kenya phát nhờ những người ngồi xe sau quay lại để cảnh báo khách du lịch phải giữ an toàn cho chính mình…1 chuyến du lịch cảm giác mạnh.

Hôm nay nghe tin Brasil trở thành ổ dịch lớn, chợt nhớ lại những ngày ở Brasil khi chớm dịch với những cảm giác mạnh.

2 ngày chờ đợi để về VN từ Rio De Raneiro, 1 thành phố được đánh giá là đẹp bậc nhất Nam mỹ thật là căng thẳng. Những địa điểm tham quan nổi tiếng như tượng chúa Jesu, sân vận động… khu nhà ở của Pele, bãi biển…đều bị đóng của. Chúng tôi thuê 1 chiếc xe chạy vòng quanh Rio De Raneiro và đề nghị thăm các khu ổ chuột.

Paulo, tên người lái xe Brasil, một trung niên khoảng 45 tuổi, đã từng sống ở Mỹ 2 năm, lưu loát tiếng Anh nhìn tôi thăm dò 1 lúc xem tôi có thay đổi ý kiến trước khi vào khu ổ chuột ghê gớm vào bậc nhất thế giới hay không rồi đồng ý.

Xe chuyển bánh và tôi bắt đầu mở Google, tìm hiểu các khu ổ chuột và được biết:

Brasil là 1 trong những nước có tình trạng tội phạm nguy hiểm nhất thế giới, tình trạng giết người diễn ra hàng ngày. Cảnh sát không đủ sức để truy tìm tận cùng hàng ngàn vụ giết người và để nó bình thản trôi đi. Lượng Cocain được tiêu thụ ở Brasil là lớn nhất thế giới, dịch bệnh và HIV ở đây cũng khủng khiếp nhất. Và hang ổ của tình trạng này là các khu ổ chuột, nơi mà các băng đảng ma tuý thống trị và lan toả sức mạnh tới cả nước…

Về khu ổ chuột, trước hết phải xác định nó là gì? Đó là 1 khu dân cư của người nghèo, bần hàn, thất nghiệp, vô gia cư nằm trong thành phố, với những căn nhà thấp kém, bẩn thỉu, san sát bên nhau, lối đi nhỏ hẹp, loằng ngoằng, không dành cho ôto, không an ninh, thiếu nước sạch, thiếu điện, không xử lý môi trường, tràn đầy dich bệnh, tệ nạn xã hội ma tuý, mại dâm, giết người…Đa số các nước trên thế giới đều có khu ổ chuột. Hiện nay tên thế giới có khoảng 1 tỷ người và con số này đang tăng nhanh do quá trình đô thị hoá, sự nhập cư trái phép và sự di dân từ nông thôn lên thành thị rất nhanh…

Paulo kể ( tôi hiểu 1 phần, phần nào không hiểu thì hỏi con rể): Các khu ổ chuột ở Rio De Janeiro được hình thành do những người lính sau chiến tranh trở về không nhà, không cửa, không việc làm đã dựng lều trong các khu đất, sườn núi trống trong thành phố mong kiếm việc làm…dần dần những người dân từ nông thôn cũng di cư lên thành thị để kiếm miếng ăn, tá túc dựng lều dựng trại và hình thành dần các khu ổ chuột trong lòng thành phố.
Rio De Janeiro là nơi có nhiều núi, đồi cao giữa lòng thành phố và nơi đây khó xây cất, càng thuận lợi cho việc hình thành và phát triển các khu ổ chuột lớn giữa lòng đô thi Rio De Janeiro.
11h30 chúng tôi bắt đầu lộ trình để đến khu ổ chuột đầu tiên. Paulo giải thích:
– Các khu ổ chuột chỉ có 1 đường cụt để vào, những con đường này nhỏ bé, nhớp nháp nhiều chỗ chỉ 1-2 người đi được. Cuộc sống ở đây vô cùng cơ cực, thấp kém nhưng đây là 1 thế giới riêng biệt được điều khiển bởi các trùm Mafia ma tuý. Bắn giết nhau xảy ra hàng ngày. 1 năm có 365 ngày thì ở đấy có 150 ngày là có tiếng súng, có máu chảy. Nhiều cuộc đọ súng của Mafia với cảnh sát hay hơn cả phim hành động. Từ trong những ngóc ngách, cửa sổ, mái nhà…những viên đạn nhằm thẳng vào đầu cảnh sát. Cảnh sát có quyền bắn chết Mafia nhưng không được nổ súng trước và tất nhiên chờ Mafia nổ súng xong thì 10 cảnh sát có đến 9 người bị giết. Và ở đây chẳng có cảnh sát nào dám và muốn leo lên những con đường cụt này.
– Vậy chính quyền xử lý ra sao? Tôi hỏi
– Chính quyền không làm gì được, không kiểm soát được. Mafia không chỉ kiểm soát các khu ổ chuột mà còn có sức mạnh trong thành phố. Paulo trả lời
Xe chạy ngang qua 1 đám đông, có nhiều cảnh sát đang đứng, 1 cảnh sát đang nằm bất động giữa đường. Ngó đầu qua cửa xe, Paulo nói:
– Chắc người cảnh sát này vừa bị tôi phạm bắn chết. Đây là đất nước có nhiều cướp bóc nên hễ bị cướp thì khôpng được đuổi theo, chỉ được hô lên thôi. Tôi bắt đầu rờn rợn…
– Vậy báo chí đứng về bên nào?
– Ở đây, cảnh sát bị giết thì báo chí im lặng hoặc đưa tin vắn tắt nhưng Mafia bị giết thì báo chí, truyền hình rùm beng là vi phạm nhân quyền. Nhiều phóng viên, công an, quan chức chính quyền được Mafia trả lương… Paulo trả lời như 1 câu chuyện rất bình thường và tất yếu của thành phố này rồi anh tiếp tục.
– Mấy năm trước, 1 nữ nghị sỹ lên tiếng về về việc cảnh sát vi phạm nhân quyền với người dân. Vài ngày sau cô bị bắn chết rồi người ta cho rằng cô là người được 1 nhóm Mafia trả lương. 2 năm sau người ta tìm ra 2 kẻ bắn cô là 2 cảnh sát nhưng việc xử 2 cảnh sát này cũng chẳng đâu vào đâu.
Tôi đã xem 2 bộ phim về trùm ma tuý Colombia và Mexico và thấy Mafia lũng đoạn, điều khiển cảnh sát, chính quyền và cả quân đội. Tôi nghĩ đó chỉ là hư cấu để bộ phim giật gân hơn. Chẳng lẽ ở đây là sự thật
– Vậy ở đây và colombia ở đâu nguy hiểm hơn và sao chính phủ không sử dụng quân đội để truy quyét Mafia tôi hỏi?
– Colombia là nước sản xuất Cocain lớn nhất thế giới, Brasil là đất nước tiêu thụ lượng cocain đứng đầu thế giới. Từ Colombia, cocain được tuồn vào Brasil qua cánh rừng Amazon bạt ngàn, không có máy bay trực thăng và lực lượng quân đội nào có thể kiểm soát được. Tất nhiên Colombia nguy hiểm hơn nhưng không thể nói Brasil an toàn được.
– Brasil có 1 đội quân đánh trong rừng rất tinh nhuệ và anh biết ai dạy không? Paulo quay sang tôi hỏi? Chính là người VN, khoảng những năm 1970 có 1 người VN sang đây và huấn luyện cho quân đội Brasil những chiến thuật đánh trong rừng rậm và ngày nay đội quân đánh trong rừng của Brasil là số 1 thế giới.
– Vậy người VN huấn luyện cho Brasil là người của quân đội phía bắc hay phía nam? ( ý tôi hỏi là người của quân đội Bắc việt hay quân đội Cộng hoà).
Paulo lắc đầu không biết và nói: Bố của anh là 1 cấp tướng, là người được huấn luyện khi đó. Bộ nhớ trong tôi quay lại: vào thời đó, chiến tranh du kích ở VN rất mạnh. Dù mỹ có trực thăng với chiến thuật trực thăng vận, đổ bộ nhanh hòng tiêu diệt bộ đội chủ lực của Bắc việt nhưng những trận đánh ở Playme, Quảng trị, Đồng tháp mười… đều vấp phải sự phản kháng mãnh liệt và Mỹ không thể kiểm soát được những cánh rừng bạt ngàn. Hơn 45 năm trôi qua tôi vẫn nhớ thông tin: QĐND VN đã gửi cán bộ sang châu mỹ la tinh để giúp bạn chiến thuật của chiến tranh du kích, 1 chiến thuật của QĐND VN được thế giới đánh giá là xuất sắc nhất thế giới trong lịch sử chiến tranh.
Trầm ngâm 1 hồi tôi hỏi:
– Sao Brasil không sử dụng vũ lực để tiêu diệt Mafia?
– Brasil đã sử dụng quân đội nhưng khi quân đội vào sẽ khác cảnh sát, sẽ là bắn giết và tiêu diệt. Mafia ném lựu dạn, bắn súng máy vào quân đội rồi rút theo các con hẻm, mái nhà lẩn mất, nhiều người dân vô tôi bị chết, báo chí lại rùm beng. Khi wolrd cup xảy ra, chính phủ cũng đã đưa gần 1.000 lính vào để trấn áp Mafia, rồi cũng tiêu diệt được 1 số tên, tình hình bình yên hơn 1 thời gian nhưng rồi như cỏ dại, anh có đốt hết cả cánh đồng rồi 1 thời gian cỏ dại lại mọc um tùm. Những khu ổ chuột, những cánh rừng Amazon cùng lợi nhuận to lớn của ma tuý, lòng tham của con người và sự yếu kém của chính quyền là mảnh đất màu mỡ cho mafia hồi sinh và phát triển. Băng đảng này bị triệt thì băng đảng khác mọc lên, tinh ranh hơn.
– Vậy sao không giải phóng những khu ổ chuột? Cụ thể là chính phủ phải bỏ tiền để xây cho dân 1 khu mới (dạng tái định cư) nhà cửa tốt hơn, điều kiện giao thông, y tế, giáo dục tốt hơn, cung cấp thêm tiền, cho công ăn việc làm…còn khu cũ thì cắt nước, cắt điện như TQ… rồi tự dân phải lựa chọn nơi ở mới.
– Giải phóng bằng cách nào? Paulo quay sang tôi
– Chính phủ phải bỏ tiền để xây cho dân 1 khu mới (dạng tái định cư) nhà cửa tốt hơn, điều kiện giao thông, y tế, giáo dục tốt hơn, cung cấp thêm tiền, cho công ăn việc làm…còn khu cũ thì cắt nước, cắt điện như TQ… rồi tự dân phải lựa chọn nơi ở mới. Tôi nói theo 1 số kinh nghiệm ở VN và thế giới.
– Chính phủ cũng đã làm như vậy nhưng dân không muốn ra vì không có việc làm, đi lại xa hơn và Mafia ngăn không cho dân ra…

Thật là oái oăm. Xe bắt đầu leo dốc để lên khu ổ chuột. Nhìn những dãy nhà nghèo nàn tôi hỏi:
– Chính phủ có ưu đãi điện nước cho dân nghèo của khu ổ chuột không? Tôi hỏi
– Điện và nước ở đây phần lớn là người dân khu ổ chuột ăn cắp của nhà nước
– Vậy chính phủ không phạt à?
– Không phạt được vì họ không có tiền. Cắt điện nước hôm nay thì ngày mai họ lại tìm cách nối lại, ăn trộm lại, mãi thành quen…
– Trời, sao chính phủ lại bất lực đến vậy nhỉ? Tôi vô cùng ngạc nhiên.
Kết thúc khu ổ chuột thứ nhất, Paulo xoay người nói:
– Có 1 khu ổ chuột vô cùng nổi tiếng, đó là khu Ổ chuột Rocinha lớn nhất Châu Mỹ latinh, lớn thứ 5 thế giới với số dân trên 200.000 người. Con số này chính quyền không thể xác định vì không quản lý được. Rocinha cũng là trung tâm của tội phạm lớn nhất, nguy hiểm nhất Brasil. Tiếng súng bắn giết nổ ra hàng ngày ở đây, anh có muốn đi xem không?
Một chút ngần ngại, quay sang nhìn vợ con rồi tôi dứt khoát
– Đi
Paulo nhìn tôi và nói dứt khoát:
– Tất cả phải ngồi trên xe, không được mở cửa bước xuống, xe sẽ chạy chầm chậm để các anh quan sát. Rocinha chỉ có 1 con đường độc đạo đi ngang qua nên càng nguy hiểm.
Tôi gật đầu và Paulo bẻ lái. Chiếc xe hướng con dốc lao đi….Xe bắt đầu vào địa phận Rocinha. 1 con đường nhỏ 2 làn xe, 2 bên đường là những căn nhà tồi tàn, cũng quán xá kiểu VN. Ngước nhìn lên cao, cheo leo trên vách đá không phải là tổ chim mà là những căn nhà cấp thấp, tường gạch và chẳng màng lớp xi măng, lớp vữa trét bên ngoài cho có chút thẩm mỹ. Những căn nhà tồi tàn, nhỏ bé với lối đi chật hẹp, lòng vòng theo địa hình sườn núi. Những lối đi bẩn thỉu chỉ dành cho 1-2 người, không thể đi ôto và xe đạp… những đứa trẻ cởi trần, những phụ nữ mông to hở hang, những gã đàn ông mắt lờ đờ… nhưng sẵn sàng nhả đạn bất kỳ lúc nào… Nhìn những đứa trẻ chạy loăng quăng trên con đường độc đạo, Paulo nói:
– Nhiều đứa trẻ ở đây được Mafia trả tiền và hễ có bất kỳ động tĩnh gì như có quân đội, cảnh sát là chúng báo ngay cho Mafia bằng cờ, bằng bóng bay, sóng ngắn…. Để Mafia kịp thời lẩn tránh mà nhiều tên Mafia cũng chẳng thèm lẩn tránh, đặt đại liên giữa ngã 3 con dốc nã đạn trực tiếp vào cảnh sát, quân đội sau đó lẻn theo các con hẻm biến mất vào sườn núi….
– Vậy không có cách nào tiêu diệt Mafia à
– Chưa có cách nào. Những người nói tiêu diệt Mafia thì nhiều người nhận lương của Mafia…
Tôi quan sát những con đường bé nhỏ chỉ đủ 2-3 người lách nhau ngoằn nghèo lên núi mà ngao ngán. Chẳng một ông cảnh sát nào dám vào đây, mà có vào thì cũng là người của Mafia. Nhìn bên ngoài thì thấy cuộc sống đang diễn ra bình thường nhưng ẩn sâu bên trong là những dòng ma tuý đang chảy, gái mại dâm và bệnh truyền nhiễm đang ngập tràn và huỷ hoại cuộc sống của con người nơi đây. Ma tuý, dịch bệnh, cướp bóc, giết chóc tiễn biệt mạng sống của con người từng ngày… Đang miên man thì xe phanh lại, 2 gã bặm trợn lừ mắt đi ngang. Xốn cả ruột gan nhưng cũng không quên chụp ảnh dù là chụp kiểu len lén…
6h chiều, chúng tôi thoát ra ngoài Rocinha và tìm 1 nhà hàng có đặc sản Brasil. Những món bò mềm mại, những món cá vùng Amazon mà tôi chưa hề được ăn… Rất ngon mà vẫn thấy gai gai ở gáy khi nghĩ về chặng đường và câu chuyện vừa trải qua…
Trước khi về khách sạn, tôi đề nghị Paulo chở cho chúng tôi xem các khu ổ chuột về đêm. Paulo chở chúng tôi đến khu Vidigal, nằm sát bên bờ biển. Thật là đẹp, thứ ánh sáng lộn xộn lại như sao lung linh xanh tím trên nền trời về đêm, khác với cảnh ban ngày…

Cuộc sống của người dân trong những khu ổ chuột tồi tàn tưởng là đáy xã hội, nhưng vẫn còn rất nhiều người không nhà cửa, không tài sản và họ chỉ mơ được sống trong những khu ổ chuột tồi tệ kia..

Săn lùng nhiều giờ, đi từ 10h sáng tới 9h tối, đội mưa gần 20 phút để chụp được 1 cảnh đẹp như thế này.
Phía sau Khách sạn 5 sao Sheraton là khu ổ chuột Vidigal lung linh ánh đèn mà 1 phần điện được ăn cắp từ lưới điện quốc gia ( theo lời của Paulo).

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here