Doanh nhân Lê Tự Minh là người mang nhiều khuôn mặt, một doanh nhân năng động, ưa khám phá và có sức lay động thị trường, một nhà hoạt động xã hội tích cực có chiều sâu triết lý riêng và một nhà thơ, nghệ sỹ lớn dù không chuyên…
Đó là những phẩm chất tưởng chừng khác biệt và đối lập nhau, nhưng lại hoà quyện thật ấn tượng trong con người ông.
Năng động, ưa khám phá thị trường mới...
Hoàn thành luận án Tiến sỹ chuyên ngành Kinh tế chính trị trong thời Liên Xô tan vỡ, Lê Tự Minh bắt bắt đầu thành lập công ty đầu tiên của mình tại nước Nga. Việc thay đổi môi trường từ học tập sang kinh doanh ban đầu thật khó khăn.
Năm 1993, một lần tâm sự với đoàn cán bộ của Vietsopetro sang Nga công tác, Lê Tự Minh nắm bắt được tình hình phát triển của ngành dầu khí Việt Nam và cùng trăn trở trước tình trạng độc quyền của các công ty Nga trong việc cung cấp trang thiết bị cho ngành dầu khí non trẻ của nước nhà. Anh tìm gặp và tập hợp một số cán bộ kỹ thuật, khoa học người Liên Xô cũ đã từng làm việc trong ngành dầu khí Việt Nam, để cùng họ tìm hướng mua các thiết bị từ Nga về đấu thầu cho Vietsopetro. Muôn vàn khó khăn đã hiện ra: Vốn ít, thanh toán phải 100% tiền mặt, sự hiểu biết kỹ thuật hạn chế và vận tải của nước Nga thời đó thật sự khó khăn… Nhưng với nghị lực bền bỉ và sự chăm chỉ, những cuộc đấu thầu đầu tiên đã thành công, những lô hàng đã về tới Việt Nam trọn vẹn. Rồi hợp đồng nối tiếp hợp đồng, nhu cầu đơn hàng rất nhiều, chỉ tiếc là không có đủ tiền, anh đã phải vay lãi bên ngoài rất cao để đảm bảo thực hiện đơn hàng. Sau gần 1 năm, công việc không chỉ mang lại lợi nhuận tốt mà còn phá được thế độc quyền của các công ty Nga. Nhiều hạng mục giá đã giảm hơn 60% so với những năm trước. Một lần, lãnh đạo Vietsopetro yêu cầu anh giúp xí nghiệp mua lô hàng đặc chủng của một nhà máy ở Ukraina. Đây là loại hàng độc quyền, phía Viêt Nam biết rất rõ nhà máy bán với giá rất cao, nhưng điều quan trọng là việc cấp hàng của họ rất chậm, không kịp xử lý cho sự cố ngoài giàn khoan. Lê Tự Minh đã phải nhờ một đơn vị dầu khí Nga khác mua trong nước rồi chung chuyển về Việt Nam. Kết quả là kịp cho tiến độ và giá của lô hàng chỉ bằng 30% giá mà nhà máy bán cho Vietsopetro. Từ đó Vietsopetro đã có những giải pháp đưa các hợp đồng mua bán về giá trị thật của hàng hoá, phá được thế độc quyền với giá cả độc quyền cao trong nhiều năm của các công ty Nga và Liên Xô cũ. Và cũng từ đó những kiến thức đấu thầu được tích luỹ và trở thành kỹ năng đàm phán trong anh.
Về nước kinh doanh là một quyết định lớn và bước ngoặt quan trọng trong sự nghiệp của doanh nhân Lê Tự Minh. Những ngày tháng kinh doanh Taxi, kinh doanh khí hoá lỏng, những thị trường mới mở vào những năm 1996-2000 ở trong nước rất tốt. Mặc dù công việc kinh doanh thuận lợi và hiệu quả, nhưng anh nhận thấy những thị trường đó đều nhỏ hẹp, phức tạp và khó quản lý. Cần phải tìm một lĩnh vực mới, rộng hơn.
Năm 2000, lần đầu tiên được đến Singapore, anh đã bị choáng ngợp trước vẻ đẹp của những ngôi nhà, công trình và tính quy hoạch ở đây. Bao giờ quê hương mình có những đô thị đẹp như thế này? Câu hỏi cứ day dứt và anh bắt đầu nghiên cứu, chuyển hướng sang lĩnh vực bất động sản, một thị trường đang mở với nhiều tiềm năng. Vào thời đó, Phú Mỹ Hưng đang được đánh giá là mô hình đẹp nhất của Việt Nam. Anh nghĩ: Phải tạo ra các Phú Mỹ Hưng ở các thành phố khác nhau. Một tư duy khá sớm và anh đã lựa chọn con đường gian khó: Dự án xây nhà để bán.
Công việc của mọi doanh nghiệp luôn đòi hỏi tính hiệu quả và anh rất thích câu nói: Tiết kiệm một xu là làm ra một xu… Anh là người trực tiếp đào tạo đội ngũ đấu thầu và trực tiếp tham gia đấu thầu. Tôi hỏi:
-
Nếu chỉ chọn một từ để nói về trọng tâm quản lý thì cậu chọn từ nào?
-
Deadline, anh trả lời rất nhanh.
Rồi anh kể, những năm 2000, khi đang lúng túng về vấn đề quản lý, chợt người bạn cùng chơi golf nói về chủ đề Deadline. Câu nói đã thức tỉnh và lập tức anh chỉ đạo về cho Ban Giám đốc: Phải xây dựng và hoàn thành quy trình Deadline trong một tuần và đã trở thành một nguyên tắc, một trọng tâm trong quản lý.
Hiểu rõ lao động tạo ra giá trị mà, muốn làm giàu thì phải lao động, anh làm việc cần mẫn 10-12h mỗi ngày. Sáng bắt đầu công việc từ 9h và tạm dừng lúc 18h. Tối ăn cơm xong lại làm việc trực tuyến với kiến trúc sư từ 9h tối tới 12h-1h sáng. Thứ Bẩy, Chủ nhật là dành cho golf và bạn bè. Đối tác của anh nhận xét, đằng sau cái vẻ hiền lành, anh ấy là người rất cứng rắn và cứng rắn lạnh lùng trước việc chậm tiến độ và trước những gian dối, cho dù đó là ai, nhưng lại rất nhân hậu và sẵn sàng tha thứ nếu người đó nhận lỗi. Có vẻ như là mâu thuẫn nhưng lại không mâu thuẫn khi biết được anh đang xây dựng một quy trình quản lý theo tiêu chuẩn quốc tế bằng hợp đồng thuê các ông lớn Big4 thực hiện.
Tích cực hoạt động xã hội
Không chỉ tập trung vào việc làm giàu, Lê Tự Minh có những hoạt động khoa học và xã hội không kém phần thú vị. Hiện anh đang là Chủ tịch Hội sinh viên Đại học kinh tế- Đại học Kinh tế Quốc dân Hà Nội và là người tham gia sáng lập và đồng hành, giữ lửa cho Hội Quân chính Lenin gồm các sỹ quan cao cấp đã học tại Liên Xô cũ trong gần 30 năm qua. Vốn là một Tiến sỹ kinh tế, anh vẫn dành thời gian tham gia các đề tài cấp nhà nước, trong đó có đề tài về khu kinh tế mở cùng Phó Giáo sư Võ Đại Lược, người thầy mà anh yêu quý.
Là người giản dị trong cuộc sống, khắt khe với chính mình và con cái nhưng lại hào phóng trong các công tác xã hội. Không làm từ thiện trên diện rộng, anh chỉ tập trung vào lĩnh vực giáo dục, tài trợ viết sách, việc đền ơn đáp nghĩa, trẻ mồ côi, học bổng cho sinh viên và những công việc có tính chiến lược. Anh đã bỏ tiền tỷ để mời Viện Hàn lâm nghiên cứu và viết chiến lược phát triển cho Thừa Thiên Huế. Đầu năm 2021, anh đã trao tăng sổ hưu của mình cho nhà trẻ mồ côi mà anh là người bỏ tiền đầu tư xây dựng và tài trợ kinh phí vận hành, nơi nuôi dững các trẻ mồ côi, tật nguyện nhưng có tài năng để tạo điều kiện cho các cháu công hiến…
Với quan niệm, việc từ thiện trước hết phải bắt đầu từ việc quan tâm tới các em, dòng họ và bạn bè. Sẽ không phải là từ thiện nếu chỉ chi phí cho xã hội, mà bỏ rơi các em và người thân. Công việc từ thiện được anh thực hiện đều đặn hàng năm với nguồn kinh phí được xây dựng ngay từ đầu năm và tính đến nay anh đã ủng hộ cả trăm tỷ đồng, trên các địa bàn Quảng Ngãi, Long An, Huế, Quỹ bão lụt miền trung, Trường Sa… một cách tự nguyện và không ồn ào. Quỹ học bổng Tài năng Việt của Công ty IMG hàng năm trao học bổng150 triệu đồng cho sinh viên, hiện quỹ này đang có quy mô lớn nhất.
Đặc biệt, Lê Tự Minh rất tâm huyết với dự án Trung tâm trẻ mồ côi tài năng Huế. Trung tâm nằm trên đường 14 – Khu đô thị Ancuu City, Thành phố Huế, với tiêu chuẩn khách sạn 3 sao, phòng ngủ có quạt và máy lạnh. Trung tâm tuyển chọn các cháu mồ côi cả cha và mẹ khắp cả nước về nuôi dưỡng và đào tạo hết đại học trong và ngoài nước. Hàng ngày các cháu học ở trường phổ thông, buổi còn lại là học thêm Tiếng Anh, Toán, Nhạc… nhằm đào tạo và phát hiện các khả năng của các cháu.
Trả lời về lý do lập trung tâm mồ côi và nuôi dưỡng các cháu này, Lê Tự Minh trầm ngâm: Mình thành đạt nhờ xã hội và khi thành đạt thì phải có trách nhiệm với xã hội. Con người ai cũng có tính nhân hậu. Đồng tiền dù có ít có nhiều đều phải sử dụng có mục đích. Tiêu nhiều không được, xuống mồ chẳng mang theo, cho con cháu nhiều sẽ làm giảm nhiệt huyết làm giàu và trách nhiệm của các cháu với bản thân và xã hội. Làm ra tiền là một nhu cầu cho cuộc sống tốt hơn và để thực hiện các ước mơ của mình. Cho đi cũng là một dự định.
Doanh nhân – nghệ sỹ
Về sự cân bằng cuộc sống, có lẽ đây là nét rất đặc biệt ở Lê Tự Minh. Nhiều người vẫn nghĩ, người làm doanh nghiệp khó mà làm được thơ và nhạc, bởi vì đây dường như là hai lĩnh vực trái ngược nhau. Thế nhưng thật bất ngờ, Lê Tự Minh lại rất xuất sắc trong lĩnh vực này. Sự nghiệp thơ văn và âm nhạc của anh được thể hiện khá rõ trong cuốn sách “Trở về”, một cuốn sách có 2 phần: Thơ và âm nhạc.
Phần 1 với tiêu đề: Thơ là liều thuốc cân bằng và thăng hoa cuộc sống. Và có lẽ đây cũng là quan điểm của cuộc sống của anh. Tôi rất thích những bài thơ của anh, nhẹ nhàng mà sâu lắng. Mở đầu là bài thơ “Trở về”, bài thơ được đặt tên cho tiêu đề cuốn sách. Trở về là nỗi lòng của những người con xa quê hương mong được về bên cha bên mẹ, trong tình thầy, tình bạn với những tiếng mày tao và những ước mơ của tuổi thơ sau những gian truân của cuộc đời. Trở về thấm những giọt mồ hôi trên cánh đồng lúa vàng, rộn rã tiếng ve trong khu vườn của bà và trở về bên những tấm lòng nhân hậu. Và dù quê hương còn nhiều khó nhọc, dù cuộc đời còn nhiều điều phải khóc nhưng Tổ quốc mình chẳng thể nào thay. Những ý thơ sâu sắc thẫm đẫm đạo lý đã được nhạc sỹ Tuấn Phương nắm bắt và phổ nhạc thành bài hát “Trở về”. Rồi đến bài thơ “Nhà em ở lưng đồi”, một bài thơ vẽ lên cảnh đẹp của miền quê Trung du thanh bình được nhạc sỹ Đức Trịnh phổ nhạc thành bài hát cùng tên rất hay.
Việc dịch thơ cũng có nhiều thú vị, nếu bài thơ “Hội đồng chuột” của La Fontaine được dịch tinh tế thì bài thơ “Chuột và ếch” được cải biên phần cuối rất tinh nghịch: Chú chuột què vì ham gái, mê nàng ếch xanh, nhảy xuống hồ tí chết đuối và hứa sẽ không ngu nữa nhưng đêm nằm nghĩ lại và: Nếu gặp ếch xanh thì chuột vẫn nhảy xuống hồ. Chỉ có thể giải thích: Đó là tình yêu. Tôi đã không kìm được nước mắt khi đọc bài thơ: “Dậy đi mẹ”, bài thơ viết về những ngày cuối cùng bên mẹ trong bệnh viện và mẹ cũng ra đi. Ngày tiễn mẹ đi anh đã viết bài thơ: “Đưa mẹ về miền yên nghỉ” với nỗi đau của người con mất mẹ. Những ai đã từng mất mẹ sẽ thấm vào da thịt từng vần thơ. Tuy nhiên tính triết lý của cuộc đời lại được thể hiện trong bài: “Một chút”, bài thơ đã được đưa vào giáo trình giảng dạy của Học viện Phật giáo.
Phần 2 của cuốn sách viết về âm nhạc. Những bài hát một phần được anh chuyển ngữ từ tiếng nước ngoài, đa số là tiếng Nga, sang tiếng việt, một phần được các nhạc sỹ tên tuổi phổ nhạc cho các bài thơ của anh. Đáng để ngạc nhiên khi anh khẳng định mình không phải là nhà văn, nhà thơ, không phải là nhạc sỹ và cũng không giỏi ngoại ngữ nhưng những bản dịch của anh rất sát với bản gốc, mang tính logic của tư duy và tính nhân hậu. Những phần anh cải biên là để cho sát với văn hoá Việt nam và để hợp với tư duy hiện tại. Đã có 5 bài hát của anh được đưa vào nội dung “Những bài ca đi cùng năm tháng”, có 2 bài được chọn cho chương trình “Những điều còn mãi” do Vietnamnet tổ chức hàng năm vào ngày 2/9. Các bài hát: Trở về, Nhà em ở lưng đồi, Chào mẹ, Cây Tần bì… được mọi lứa tuổi yêu thích.
Và có lẽ phải nói đến một sự kiện rất ý nghĩa. Ngày 11/5/2019, tôi được Lê Tự Minh mời tham gia chương trình văn nghệ: Nước Nga trong trái tim tôi, một chương trình do Hội Nhạc sỹ Việt Nam, Hội Hữu nghị Nga Việt, Hội Hữu nghị Việt Nga đồng tổ chức chào mừng 70 năm quan hệ hữu nghị Nga Việt và 25 năm, năm chéo Việt Nga. Chương trình gồm những bài hát Nga do anh dịch sang tiếng Việt. Cả hội trường lặng yên và xúc động lắng nghe giai điệu Nga và lời của bài Chào mẹ, Đàn sếu. Thật độc đáo, lần đầu tiên có một chương trình chuyển tải các ca khúc nước ngoài của một tác giả, một chương trình hay và xúc động nhất về nước Nga mà tôi từng được xem. Cũng hôm đó, Lê Tự Minh được trao tặng Huân chương Hữu nghị Nga Việt và với những đóng góp của mình, anh được Hội Nhạc sỹ Việt Nam trao tặng Bằng khen 60 năm vì sự nghiệp âm nhạc Việt Nam.
Kết thúc buổi biểu diễn, tôi nắm chặt tay bạn: Rất xuất sắc và rất xứng đáng. Đêm Hà nội lung linh những ánh sao, với những làn gió mát từ sông Hồng thổi lên. Nhìn Lê Tự Minh đeo caravat nghiêm túc, tôi lại nhớ cái ở Maxcova, tôi được một giải của người Viêt và được mời lên sân khấu, khi đó tôi quên đeo caravat, Lê Tự Minh đã tháo chiếc caravat màu huyết dụ rồi tự tay đeo cho tôi và tôi đã trả lại cho bạn sau 25 năm.
Không ầm ào như các dòng sông lớn, nhưng cho dù là lớn hay nhỏ, mọi dòng sông đều chảy và xuôi về biển những hạt phù sa. Lê Tự Minh, một gương mặt của doanh nghiệp Việt Nam – người mà tôi ví như có “cây đũa thần”, vì khi anh ta chạm vào cái gì đều biến chúng thành vàng và nhanh chóng đạt đỉnh cao trong lĩnh vực đó….!
Để thành công, phải có thầy và muốn thành công lớn phải có thầy tốt. Đó là tư tưởng xuyên suốt con đường kinh doanh của Lê Tự Minh.
TS.Nguyễn Minh Phong